Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa ra quyết định ban hành quy trình thí điểm phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức vận tải hàng hóa bằng ô tô khi xe, người lái xe, chủ xe rời khỏi hiện trường.
Kể từ 10/11, TP.HCM chính thức phạt nguội xe vi phạm tải trọng - Ảnh: THU DUNG
Tăng ứng dụng công nghệ phạt nguội xe quá tải
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải và UBND TP.HCM để xin thí điểm, trở thành đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm sử dụng thiết bị cân tải trọng tự động phạt nguội xe chở hàng quá tải.
Ban hành kèm quyết định trên là quyết định quy trình sử dụng thí điểm thiết bị cân tải trọng tự động để xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức vận tải hàng hóa bằng ô tô khi xe, người lái xe, chủ xe không còn ở hiện trường nơi vi phạm. Quyết định này có hiệu lực một năm kể từ 10/11.
Chánh văn phòng, giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trưởng các phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc sở, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc sở chịu trách nhiệm thi hành quyết định.
Sở cho biết việc áp dụng cân tự động phạt nguội xe vi phạm có nhiều ưu điểm hơn so với trước nay. Nhất là có quy trình xử lý xe quá tải mà tài xế, chủ xe không chấp hành, chống đối.
Quy trình ra sao?
Việc thí điểm dùng cân tự động xử phạt nguội được triển khai tại Trạm kiểm tra tải trọng xe số 3 khu vực cầu Ông Lớn (hướng từ huyện Bình Chánh đi quận 7) và Trạm kiểm tra tải trọng số 6, 7 tại Trạm thu phí An Sương - An Lạc (quận Bình Tân). Thời gian thu thập dữ liệu 24/24 giờ.
Thanh tra Sở Giao thông vận tải tiếp nhận kết quả thu được và xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp quá thời hạn giải quyết mà người vi phạm chưa chấp hành thì các đơn vị gửi thông báo đến cơ quan đăng kiểm.
Khi có các phản ánh, kiến nghị trong quá trình xử phạt, thanh tra cùng Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM tiếp nhận, giải quyết.
Từ năm 2016-2021, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp các lực lượng liên quan kiểm soát tải trọng xe, tập trung đầu mối hàng hóa, kho bãi, bến cảng. Đặc biệt đưa vào hoạt động các trạm kiểm tra tải trọng xe tự động. Nhờ đó tình trạng chở quá tải trọng trên địa bàn TP.HCM có chiều hướng giảm, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, từ tháng 10/2017, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh niên xung phong đã ngưng phối hợp kiểm soát tải trọng xe tại các trạm kiểm tra tải trọng thứ cấp.
Tại các trạm này hiện chỉ còn duy nhất lực lượng thanh tra giao thông và nhân viên kỹ thuật, trong khi công tác này phải đảm bảo hoạt động 24/7.
Thanh tra giao thông cũng chỉ xử phạt được người lái xe và chủ xe, chưa thể thực hiện hạ phần quá tải tại nơi phát hiện vi phạm do không thể đáp ứng các điều kiện về bảo quản hàng hóa.
Điều này dẫn tới công tác kiểm tra, xử lý xe vi phạm quá tải, phối hợp dừng xe, truy đuổi, xử lý các hành vi chống đối, gây rối trật tự khu vực trạm cân còn gặp khó khăn. Nhiều tài xế vi phạm tải trọng cố tình né trạm, bỏ chạy, bỏ xe tại hiện trường.
Từng đề xuất phạt đến 205 triệu đồng một trường hợp vi phạm:
Từ 2016-2021, Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã lập biên bản 6.616 trường hợp vi phạm chở hàng quá tải, xử phạt hơn 79,9 tỉ đồng. Từ tháng 11/2020 đến nay, được sự đồng ý của Bộ Giao thông vận tải, sở triển khai thí điểm xử phạt vi phạm hành chính theo quy trình một cấp tại Trạm cân cầu Ông Lớn, Trạm thu phí An Sương - An Lạc, xử lý 803 trường hợp vi phạm với hơn 11,8 tỉ đồng.
Trong đó một trường hợp đề xuất xử phạt rất nặng, mới nhất là một xe đăng ký Tiền Giang bị đề xuất tổng tiền đến 205 triệu đồng/trường hợp vi phạm, một trường hợp bị đề xuất phạt hơn 180 triệu đồng.