Tổng kết công tác thi công thí điểm công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại Dự án QL5

Thứ bẩy, 26/04/2014 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Sáng 25/4, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị “Tổng kết công tác thi công thí điểm công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại Dự án sửa chữa, khôi phục mặt đường Quốc lộ 5”. Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có các Thứ trưởng Trương Tấn Viên, Thứ Nguyễn Ngọc Đông; Lãnh đạo các cơ quan của Bộ GTVT; Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam; các Sở GTVT; các tổng công ty, công ty trong và ngoài ngành.

Sáng 25/4, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị “Tổng kết công tác thi công thí điểm công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại Dự án sửa chữa, khôi phục mặt đường Quốc lộ 5”. Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có các Thứ trưởng Trương Tấn Viên, Thứ Nguyễn Ngọc Đông; Lãnh đạo các cơ quan của Bộ GTVT; Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam; các Sở GTVT; các tổng công ty, công ty trong và ngoài ngành.

Tổng kết công tác thi công thí điểm công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại Dự án QL5

Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh việc áp dụng các
công nghệ hiện đại vào các công trình giao thông là rất cần thiết

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết hệ thống giao thông đường bộ Việt Nam có tổng chiều dài trên 280.000km, quốc lộ hơn 17.000km một nhu cầu sửa chữa, nâng cấp rất lớn; trong những năm vừa qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ GTVT đã triển khai hàng loạt các dự án để nâng cấp, cải tạo, cũng như xây dựng Quỹ Bảo trì đường bộ, đẩy mạnh công tác đổi mới; Bộ GTVT cũng đã có chủ trương đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và đã xây dựng Đề án “Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông” được phê duyệt năm 2013, trong đó tập trung vào lĩnh vực giao thông đường bộ, với các công nghệ hiện đại như: xây dựng kết cấu cầu, hầm, đặc biệt là cải tạo, xây dựng mới các kết cấu mặt đường trong hệ thống đường bộ.

Thứ trưởng cho biết công nghệ cào bóc tái chế được áp dụng rất phổ biến tại các nước trên thế giới trong nhiều thập kỷ vừa qua. Tại Việt Nam từ những năm 1998 - 1999 đã đưa công nghệ cào bóc tái chế để xây dựng, cải tạo kết cấu móng; tuy nhiên công nghệ này đã không được duy trì nhân rộng trong các dự án khác. Trong những năm gần đây, ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã nỗ lực để đưa công nghệ cào bóc tái chế áp dụng trong việc cải tạo, nâng cấp các tuyến đường trong đô thị cũng như là các tuyến quốc lộ.

Tổng kết công tác thi công thí điểm công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại Dự án QL5

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết trong nhiều năm qua ngành GTVT đã
triển khai nghiên cứu ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ mới, tiên tiến của nước ngoài

Thứ trưởng cũng cho biết, qua quá trình kiểm nghiệm, làm thử ở các dự án như Quốc lộ 1 ở Long An, đặc biệt là các tuyến phố ở TP Hồ Chí Minh thì các công nghệ đã được thí điểm trong thời gian vừa qua được đánh giá, trên cơ sở kết quả ban đầu, Bộ GTVT đã có quyết định năm 2012 áp dụng các công nghệ này cho cải tạo, nâng cấp QL5; sau hơn 1 năm thực hiện công nghệ này được đánh giá, rút ra những quy trình thi công, định mức áp dụng. Với mục đích trên cơ sở đánh giá này, sẽ xác định phạm vi áp dụng cho các tuyến đường Việt Nam, các dự án kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường bộ, từ nâng cấp cải tạo, đến xây dựng mới; bên cạnh đó xác định nội dung cần phải hoàn thiện như quy trình công nghệ thi công, các định mức và yêu cầu các cơ quan, đơn vị của Bộ hoàn thiện nội dung này để có thể nhân rộng và ứng dụng trong tương lai.

Tại Hội nghị, ThS. Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ đã báo cáo tổng kết chung về công nghệ cào bóc tái sinh nguội áp dụng tại Việt Nam và tại Dự án sửa chữa, khôi phục mặt đường Quốc lộ 5. Theo đó, từ năm 2008 đến nay có 3 công nghệ tái sinh nguội được đưa vào Việt Nam, đã qua giai đoạn thử nghiệm trong phòng và ngoài hiện trường, đó là công nghệ cào bóc, tái sinh nguội của hãng Wirtgen (Đức); công nghệ cào bóc, tái sinh nguội của hãng Hall Brothers (Mỹ) và công nghệ cào bóc, tái sinh nguội của hãng Sakai (Nhật Bản).

Về công nghệ tái sinh nguội sử dụng nhũ tương cải tiến của Hãng Hall Brothers (Mỹ) áp dụng tại gói thầu số 9 (Km76-Km82) QL5, sau 6 tháng thi công, về cơ bản mặt đường bê tông nhựa có mô đuyn đàn hồi lớn hơn thiết kế (E > 190MPa), bề mặt tương đối bằng phẳng. Tuy nhiên, tại một số vị trí xuất hiện hiện tượng hằn lún cục bộ (tập trung trái tuyến, làn xe tải, hướng Hải Phòng - Hà Nội tại Km78+100- Km79+00, Km80+560-Km81+00, Km81+350-Km81+780) và nứt dọc cục bộ (tập trung tập trái tuyến, làn xe tải, hướng Hải Phòng - Hà Nội (tại Km80+150-Km80+380).

Tổng kết công tác thi công thí điểm công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại Dự án QL5

Công nghệ cào bóc tái chế nguội tại chỗ kết cấu mặt đường
đang được áp dụng rộng rãi tại các nước tiên tiến trên thế giới

Về công nghệ tái sinh nguội, sử dụng chất kết dính là bitum bọt, xi măng theo công nghệ của hãng Wirtgen (Đức), áp dụng tại gói thầu số 10 (Km82-Km94) QL5, sau 6 tháng thi công, mô đuyn đàn hồi mặt đường cao hơn thiết kế (>220MPa), bề mặt tương đối bằng phẳng, không có hiện tượng nổi nhựa hay bong bật cốt liệu, không xuất hiện vệt hằn bánh xe. Riêng đối với công nghệ cào bóc, tái sinh nguội của hãng Sakai (Nhật Bản) chưa được áp dụng thí điểm trên diện rộng nên cần thí điểm để đánh giá, hoàn thiện công nghệ trước khi áp dụng đại trà (như thí điểm đối với hai công nghệ đã triển khai áp dụng tại QL5).

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng hoan nghênh sự chỉ đạo quyết liệt của Vụ Khoa học công nghệ, bởi việc áp dụng các công nghệ hiện đại vào các công trình giao thông là rất cần thiết, cần làm ngay. Bộ trưởng đồng ý cho phép áp dụng đại trà công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại chỗ bằng bitum bọt và xi măng của hãng Wirtgen do Công ty TNHH Infrasol thi công trong cải tạo, sửa chữa và nâng cấp kết cấu áo đường ô tô; Bộ trưởng lưu ý trong quá trình thi công đại trà phải thực hiện đúng quy định kỹ thuật để bảo đảm chất lượng công trình; đồng thời trên cơ sở định mức, đơn giá cụ thể Dự án QL5, cần trình cấp có thẩm quyền ban hành định mức đơn giá cho công nghệ này.

Đối với công nghệ tái sinh nguội sử dụng nhũ tương cải tiến của Hãng Hall Brothers (Mỹ) do Liên danh Tổng công ty Xây dựng CTGT 1 và Công ty TNHH Hall Brothers thi công, Bộ trưởng đánh giá cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại về chất lượng tại gói thầu 9, Bộ giao Viện Khoa học và công nghệ GTVT phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng Vụ Khoa học công nghệ tiến hành kiểm định, đánh giá nguyên nhân để làm cơ sở xem xét cho phép áp dụng đại trà công nghệ này; đồng thời trong quá trình theo dõi nếu xuất hiện thêm các hư hỏng cần báo cáo các cơ quan có thẩm quyền và xử lý khắc phục các hư hỏng để đảm bảo chất lượng khai thác công trình.

Đối với cào bóc, tái sinh nguội của Hãng Sakai (Nhật Bản) do Liên doanh Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Thành Long và Công ty Vietraco thi công, Bộ trưởng giao Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư phối hợp với Liên doanh và các cơ quan liên quan thi công thí điểm tại QL1 hoặc QL14 trên diện rộng để làm cơ sở đánh giá và cho phép áp dụng đại trà công nghệ trong xây dựng công trình giao thông. Ngoài ra để tiết kiệm kinh phí và tăng hiệu quả đầu tư, Bộ trưởng đồng ý xem xét giảm bớt chiều dày lớp bê tông nhựa phía trên cho những tuyến đường có lưu lượng giao thông thấp; áp dụng cơ chế đấu thầu khi triển khai các công nghệ cào bóc tái sinh nguội trong xây dựng công trình giao thông để tăng mức độ cạnh tranh và giảm giá thành.

Xuân Nguyên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)