Hệ thống Cân điện tử di động dùng cho Đường sắt

Thứ sáu, 26/06/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hệ thống cân điện  tử di động ĐS đượcTổng công ty ĐSVN đưa vào sử dụng từ năm 2008; đây là thiết bị được nhập nguyên chiếc từ hãng Trakblaze-Australia, Model PTW 35 qua Công ty Cổ phần Thương mại công nghệ vật tư khoa học kỹ thuật & công trình TST Engineering JSC.
Hệ thống cân điện  tử di động ĐS đượcTổng công ty ĐSVN đưa vào sử dụng từ năm 2008; đây là thiết bị được nhập nguyên chiếc từ hãng Trakblaze-Australia, Model PTW 35 qua Công ty Cổ phần Thương mại công nghệ vật tư khoa học kỹ thuật & công trình TST Engineering JSC.
Hệ thống cân điện  tử di động (ĐTDĐ) ĐS được sử dụng với mục đích kiểm tra việc xếp hàng trên toa xe nhằm bảo vệ phương tiện vận tải, bảo vệ kết cấu hạ tầng ĐS, chống thất thoát cước phí vận tải và đảm bảo an toàn giao thông ĐS. Đối tượng được kiểm tra tải trọng là các toa xe, các đoàn tàu hàng trên toàn tuyến ĐS quốc gia. Cân ĐTDĐ ĐS với khối lượng cân 15 tấn tối đa cho mỗi bánh xe; 30 tấn tối đa cho mỗi trục toa xe và số gia khối lượng 0,05 tấn. Hệ thống cân ĐTDĐ ĐS này cho phép lắp đặt tại bất kỳ địa điểm nào trên ĐSVN (khổ đường 1000 mm, loại ray P 43). Các bộ phận có cấu tạo nhỏ, gọn, thao tác lắp đặt đơn giản.
Nguyên lý làm việc
Toàn bộ trọng tải toa xe (tự trọng của toa xe và tải trọng hàng hóa (HH) xếp trên toa xe) được phân bố trên các trục bánh xe. Khi toa xe chạy trên ray, trọng tải từ mặt lăn bánh xe truyền xuống mặt ray. Khi toa xe chạy qua cân thì mặt lăn bánh xe rời khỏi mặt ray, lúc này gờ bánh xe sẽ tác động lên thanh cân trọng lực làm biến đổi trạng thái cơ học của thanh cân; các cảm biến điện từ trong thanh cân sẽ truyền về bộ xử lý các dữ liệu này, bộ xử lý tính toán cho ra kết quả là trọng lượng của mỗi trục bánh lăn qua cân (đơn vị là tấn). Phần mềm của máy tính sẽ tập hợp theo trọng tải từng trục và tải trọng các trục trên 1 đầu máy hay toa xe. Khi in kết quả sẽ có tổng trọng đoàn tàu (gồm cả đầu máy) hoặc tổng trọng đoàn xe (không gồm đầu máy) tùy thuộc vào yêu cầu của người sử dụng. Khi đem so sánh với tải trọng toa xe cân thực tế với tải trọng cho phép ghi trên thành xe, chúng ta sẽ có được lượng gia tăng tải trọng (xếp hàng vượt quá tải trọng hay chưa hết tải trọng quy định của mỗi toa xe, cũng như tổng trọng toa xe sau khi xếp hàng xem có vượt quá tải trọng tấn/mét cầu, đường hay không).
Hiện nay, chất lượng kỹ thuật cầu đường trên toàn mạng lưới ĐS chưa đồng đều; ở phía Bắc (từ Vinh trở ra) tải trọng cho phép của cầu đường là 4,2 tấn/mét; từ Vinh đến Đà Nẵng là 4,1 tấn/mét và từ Đà Nẵng đến Sài Gòn tải trọng cho phép của cầu đường chỉ là 3,6 tấn/mét. Như vậy, việc cân toa xe cho phép chúng ta kiểm tra tải trọng HH xếp trên toa xe có vượt quá tải trọng ghi trên thành toa xe hay không; tải trọng thực tế cân được có vượt quá tải trọng ghi trong vận đơn, hóa đơn gửi hàng hay không và tổng trọng toa xe/ chiều dài toàn xe có vượt quá tấn/ mét cho phép của cầu, đường hay không.
Một số vụ xếp hàng quá tải trọng toa xe
Từ ngày 8-4 đến ngày 15-5-2009, Ban ATGTĐS đã 5 lần tiến hành cân kiểm tra 91 toa xe hàng tại các ga, kết quả: số toa xe xếp hàng bội tải 21/91 toa, bằng 22 %. Toa xe bội tải thấp nhất 10%, số toa xe bội tải cao nhất là 43% trọng tải kỹ thuật toa xe, hàng xếp bội tải chủ yếu là hàng rời xếp tại các ga Xuân Giao B, Yên Thái...
Gần đây nhất, ngày 11-6-2009, cân kiểm tra 8 toa xe hàng tại Ga Yên Viên, đã phát hiện 3 toa xe xếp hàng quá tải 10%, 13% và 17%. Việc xếp hàng bội tải đã gây thất thu lớn về cước vận tải của ngành, gây hư hỏng toa xe và đe dọa nghiêm trọng đến an toàn chạy tàu.
Những biện pháp kịp thời       
Từ khi Tổng công ty ĐSVN trang bị cân ĐTDĐ ĐS và giao cho Ban ATGTĐS quản lý, phục vụ công tác kiểm tra việc xếp hàng; kiểm tra tải trọng, tấn/mét cầu đường, đầu máy, toa xe... thì hiện tượng các ga để chủ hàng xếp hàng bội tải đã giảm nhiều.
Ngày 22-5-2009, Tổng công ty ĐSVN đã ban hành văn bản số 1063/ ĐS-ATGT về việc chấn chỉnh công tác xếp hàng đảm bảo ATCT, theo đó đã yêu cầu: các công ty vận tải HH, HK, các XN vận tải, các ga trong toàn ngành khi làm hợp đồng vận chuyển phải thống nhất với chủ hàng (bổ sung vào hợp đồng vận chuyển nếu chưa có) nội dung xử lý về phạt bội tải theo quy định hiện hành. Ngoài ra, sẽ ngừng thực hiện hợp đồng vận chuyển ít nhất 3 tháng khi phát hiện chủ hàng  có 2 lần xếp hàng bội tải, ngừng thực hiện hợp đồng vận chuyển ít nhất 6 tháng khi phát hiện chủ hàng có 3 lần xếp hàng bội tải, hủy bỏ hợp đồng vận chuyển khi phát hiện chủ hàng có 4 lần xếp hàng bội tải.
Về phía chủ quan, Ban ATGTĐS sẽ tiếp tục chỉ đạo các phân ban an toàn, các phòng an toàn tăng cường kiểm tra việc xếp hàng tại các ga để ngăn chặn triệt để việc xếp hàng bội tải; ngoài ra, phải tổ chức cân kiểm tra ít nhất 3 lần trong 1 tháng, kết quả cân kiểm tra được thông báo ngay cho các đơn vị liên quan.
Theo Railway

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)