Sâu dưới lòng thành phố New Delhi, hai máy khoan hầm đang hối hả tiến về phía nam với tốc độ 15 m/ngày. 2,5 km kéo dài tuyến 6 từ Central Secretariat đến Mandi House hy vọng mở vào cuối năm nay, tạo thành đoạn nối giữa tuyến 2 và 3, giảm tắc nghẽn trung chuyển ở Rajiv Chowk, nơi có tới 1/4 trong số 2,1 triệu hành khách đi metro hàng ngày sử dụng.
Thành phố nào đầu tiên có mạng metro 1.000 km?
Kỷ niệm 10 năm khai thác chạy tàu, Tổng công ty Metro Delhi (DMRC) đang tập trung cho chương trình xây dựng giai đoạn III, tăng thêm 180 km vào cuối năm 2016, bao gồm hai tuyến vành đai, tăng gấp đôi quy mô mạng đường. Kế hoạch xây dựng 110 km trong giai đoạn IV cũng đã hình thành. Đó là tiến độ mà DMRC hy vọng đạt được cùng với 30 máy đào hầm đang triển khai trong giai đoạn III.
Không phải chỉ riêng Ấn Độ mà hầu như mỗi ngày chúng ta lại được tin có một dự án được thông qua hoặc những tuyến metro mới đang được xây dựng hoặc đã mở khai thác ở Trung Quốc. Theo khảo sát của tạp chí Metro Report International, 17 thành phố Trung Quốc đã có metro, 13 thành phố đang xây dựng và hơn 20 thành phố đang có kế hoạch xây dựng tuyến metro đầu tiên. Bắc Kinh hiện nay có chiều dài metro dài nhất thế giới với 442 km đang khai thác, và gần đây đã vượt Thượng Hải, còn chính Thượng Hải từ tháng 4-2010 cũng đã vượt những thành phố dẫn đầu lâu nay như London và New York, sau khi hoàn thành 420 km chỉ trong 15 năm. Với tiến độ xây dựng như hiện nay thì bao lâu nữa thành phố nào đầu tiên sẽ có mạng metro dài 1.000 km?
Không có gì ngạc nhiên khi một nghiên cứu về thị trường cho thấy là các thành phố châu Á chiếm một nửa trong toàn bộ số đơn đặt hàng mua toa metro trong năm năm qua, gồm 11.283 toa trong số 22.398 toa.
Khi London Underground kỷ niệm 150 năm metro cổ nhất thế giới – mọi người được dịp hiếm có đi ngầm dưới đường phố của thủ đô Anh trên một đoàn tàu đầu máy hơi nước – thì rõ ràng là đầu tư cho ĐS đô thị đang tiếp tục gia tăng. Và lý do thì không khó nhận ra.
Phát triển hướng tới giao thông
Hơn một nửa số dân thế giới sống trong thành phố và con số đó còn đang tăng lên không ngừng. Trong kỷ nguyên thương mại toàn cầu, thành phố ngày càng phụ thuộc vào hệ thống vận tải tốt, hỗ trợ cho năng lực cạnh tranh của thành phố cũng như đảm bảo chất lượng cuộc sống đô thị ngày một tốt hơn.
Theo chứng cứ thu thập được của Liên hiệp Giao thông Công cộng Quốc tế (UITP) thì ở những thành phố mà giao thông công cộng, đi bộ và đi xe đạp chiếm một thị phần cao, chi phí vận tải cho cả cộng đồng chỉ bằng một nửa của những thành phố phụ thuộc vào ô tô. Các thành phố đó còn được lợi do giảm tiêu thụ năng lượng và ít khí thải nhà kính. UITP còn cho rằng, do giao thông công cộng sử dụng không gian hiệu quả hơn, do khai thác vận tải bền vững hơn mà thành phố có thêm đất đai cho các hoạt động kinh doanh và vui chơi giải trí.
Nhờ chính sách “phát triển hướng tới giao thông” mà việc xây dựng ĐS đô thị có thể giúp tập trung phát triển dọc theo những hành lang tiêu biểu, đồng thời mở ra những nguồn vốn cần được khai thác. UITP ước tính là đầu tư vào các dự án giao thông công cộng có thể sản sinh ra giá trị kinh tế gấp ba, bốn lần. Mặc dù những dự án lớn như các tuyến metro mới có thể chi phí lớn, nhưng UITP cho rằng chi phí cho việc cải tiến giao thông đô thị thấp hơn rất nhiều so với chi phí trực tiếp do tắc nghẽn giao thông.
Giao thông công cộng linh hoạt từ nhà-tới nhà
Mặc dù các nước mới nổi lên có thể sẽ dẫn đầu, các nước phát triển cũng đang tiếp tục đầu tư cho những kế hoạch tham vọng để mở rộng mạng metro như ở Moscow, Paris. Tàu nhẹ ngày càng tỏ ra phổ biến do chi phí thấp và ngày nay tàu điện đã trở lại ở nhiều nơi, nhiều thành phố ở Bắc Mỹ đang có kế hoạch xây dựng các tuyến tàu điện trong các khu phố. Theo một khảo sát của của tờ The Transport Politic, đầu tư cơ bản cho các dự án giao thông công cộng đô thị ở Mỹ đang được triển khai hoặc sẽ bắt đầu trong năm nay, với chi phí lên tới 65 tỷ USD.
Rõ ràng, metro, tàu nhẹ và ĐS đô thị giữ một vai trò rất quan trọng trong giao thông hỗn hợp đô thị, vì những mạng đường chất lượng cao có thể chuyên chở một khối lượng lớn hành khách một cách an toàn và nhanh chóng. Tuy vậy, “góp sức chung lòng” là điều kiện thiết yếu để cạnh tranh với ô tô, mang lại một tổ chức giao thông linh hoạt từ nhà - tới nhà, đặc biệt trong trung chuyển giữa các phương tiện, tích hợp việc mua vé với cung cấp thông tin hành khách một cách tổng hợp và đáng tin cậy.
Để tìm ra phương thức tốt nhất cho đầu tư ĐS đô thị và nâng cao lợi nhuận, tạp chí ĐS Thế giới, đang phát động một diễn đàn trao đổi với chủ đề “Thành phố Thông minh”.
Nguồn: ĐSVN, Tạp chí ĐSTG