Metro Singapore: Hình mẫu văn minh giao thông đô thị
Mạng giao thông công cộng nhanh (MRT) là hệ thống giao thông chủ yếu của ĐS đô thị Singapore, bao phủ toàn bộ quốc gia này như xương sống của giao thông công cộng.
Mạng giao thông công cộng nhanh (MRT) là hệ thống giao thông chủ yếu của ĐS đô thị Singapore, bao phủ toàn bộ quốc gia này như xương sống của giao thông công cộng.
Đoạn đường đầu tiên giữa Yio Chu Kang và Toa Payoh được đưa vào khai thác từ năm 1987 là metro lâu đời thứ hai ở Đông - Nam Á, sau tàu nhẹ ở Manila. Mạng đường mau chóng phát triển, phù hợp với chủ trương của Singapore là triển khai một mạng ĐS tổng hợp làm xương sống cho hệ giao thông công cộng Singapore.
Công ty ĐS bao cả xe buýt và taxi
Mạng MRT có 102 ga với 148,9 km đường khổ tiêu chuẩn đang khai thác. Mạng đường do Cục Vận tải bộ, trực thuộc Chính phủ Singapore xây dựng và ủy quyền khai thác cho SMRT Corporation và SBS Transit, cả hai công ty này còn chạy cả xe buýt và taxi nên rất thuận tiện cho việc liên kết các dịch vụ vận tải. Hệ thống MRT này còn được bổ sung bằng một số tuyến tàu nhẹ (LRT) ở Bukit Panjang, Sengkang và Punggol, nối các ga của MRT với các khu chung cư. Tàu chạy từ 5 giờ 30 phút sáng hôm trước đến 1 giờ sáng hôm sau, với gián cách 3 đến 8 phút.
Ba tuyến metro và 1 tuyến tàu nhẹ
Ngay từ năm 1967, một số nhà kế hoạch đã dự báo là Singapore cần một hệ thống giao thông ĐS đô thị vào năm 1992. Mạng giao thông công cộng nhanh đầu tiên 5 tỷ $ là dự án lớn nhất Singapore lúc đó được khởi công ngày 22/10/1983 tại Shan Road và hoàn thành kế hoạch trước thời hạn 2 năm. Ngày 10/2/1996, kéo dài tuyến Bắc - Nam đến Woodlands.
Với chủ trương cần có ĐS đưa hành khách trực tiếp tới nhà, Singapore còn xây dựng các tuyến tàu nhẹ (LRT) nối vào mạng MRT.
Sách trắng “Hệ thống vận tải tầm cỡ thế giới” với lộ trình thay thế xe buýt bằng ĐS đô thị
Hệ thống giao thông ĐS công cộng (MRT) đầu tiên gồm hai tuyến metro chính là tuyến Bắc - Nam và tuyến Đông - Tây đã tồn tại hơn một thập kỷ cho đến khi mở thêm tuyến Đông - Bắc năm 2003, cùng với việc công bố sách Trắng “Hệ thống vận tải bộ tầm cỡ thế giới” của Cục Vận tải bộ (LTA) năm 1996 đã thúc đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới. Kế hoạch đã vạch ra lộ trình dài hạn thay thế mạng xe buýt bằng mạng ĐS đô thị và coi đó là phương tiện giao thông công cộng hàng đầu. Theo đó, từ 67 km năm 1995 sẽ tăng lên thành 160 km trong 10 đến 15 năm tới, đồng thời tiếp tục mở rộng trong kế hoạch dài hạn, với hy vọng đưa lưu lượng chuyên chở hiện nay là 1,4 triệu hành khách/ngày tăng lên 4,6 triệu hành khách/ngày năm 2020.
Trang thiết bị và tiện nghi nhà ga tuyệt hảo
Trừ Ga Bishan MRT, toàn bộ mạng MRT đều là đường trên cao hoặc đi ngầm. Hầu hết các ga đều ngầm sâu và được gia cố có thể dùng làm chỗ tránh bom. Điện thoại đi động đều có thể sử dụng được trong các ga và trên toàn mạng MRT. Các ga ngầm và các đoàn tàu đều có điều hòa nhiệt độ.
Các ga đều được trang bị máy bán vé, trung tâm dịch vụ hành khách, màn hình LED và plasma thông báo tin tức và dịch vụ tàu cùng với phòng chờ và điện thoại. Một số ga lớn còn có thêm nhiều dịch vụ và tiện nghi như các quầy, cửa hàng bán lẻ, siêu thị, cửa hàng tiện nghi, ki-ốt tự động hóa và tự phục vụ một số dịch vụ. Các cầu thang cuốn đưa hành khách lên xuống với tốc độ 0,75 m/s, 50% nhanh hơn cầu thang cuốn bình thường.
Nếu như những ga cũ trên tuyến Bắc - Nam và Đông - Tây, ban đầu xây dựng còn thiếu rất nhiều tiện nghi như thang máy, đường dốc cho xe lăn, hệ thống hướng dẫn cho người khiếm thị, cửa vé rộng hoặc toa-lét cho người tàn tật thì ngày nay các tiện nghi đó đã được lắp đặt đẩy đủ, hiện đại. Việc lắp đặt thang máy cho các cầu vượt bộ hành trên 6 ga và lắp đặt các giá để xe đạp tại 20 ga sẽ hoàn thành cuối năm 2013.
Giá vé thấp hơn xe buýt để khuyến khích đi tàu
Ga được chia thành hai khu vực, đã trả tiền và chưa trả tiền để hành khách chỉ được ra vào ga qua cửa soát vé. Vì hệ thống vé liên kết với TransitLink, hành khách chỉ cần mua một vé và đi qua hai cửa (cửa ra và cửa vào) trong cả hành trình mặc dù chuyển qua nhiều tuyến của nhiều công ty khác. Hành khách cũng có thể xuống giữa chừng và trả tiền chênh lệch khi ra ga đến. Các đơn vị khai thác vận tải là các tổng công ty được nhà nước bảo trợ và làm ăn có lãi nên giá vé tối thiểu phải cân bằng thu chi, giá vé được tính theo khoảng cách giữa ga đi và ga đến.
Mặc dù do công ty tư nhân khai thác nhưng giá vé phải hợp túi tiền và kiềm giữ không vượt quá giá vé xe buýt để khuyến khích người dân đi tàu và giảm lệ thuộc vào xe buýt.
Hệ thống vé sử dụng là thẻ thông minh không tiếp xúc EZ-Link và NETS FlashPay.
An toàn, an ninh được đặc biệt quan tâm - Hút thuốc trên tàu dưới ga phạt 1000$
Các công ty chạy tàu và chính quyền đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm an toàn cho hành khách. An toàn chống cháy được triển khai hết sức chặt chẽ theo đúng hướng dẫn của Hội Phòng cháy quốc gia Mỹ.
Cách mép ke ga 70 cm tại các ga mặt đất người ta sơn một vạch màu vàng để hành khách đứng an toàn khi tàu vào ga. Theo Luật Vận tải, các hành động như hút thuốc, ăn và uống dưới ga và trên tàu đô thị, đều bị cấm. Ăn hoặc uống trên bất cứ phương tiện giao thông nào ở Singapore đều bị phạt 500$, mang vật dễ cháy phạt 5000$, hút thuốc ở bất kỳ nơi nào đều bị phạt 1000$. Vi phạm sử dụng thiết bị cấp cứu và xâm phạm ĐS đều là bất hợp pháp, sẽ bị phạt tiền hoặc tù.
An ninh chống tội phạm và khủng bố, lúc đầu không mấy được quan tâm, nhưng sau một số vụ tội phạm và khủng bố xảy ra ở một số ĐS các nước, các công ty chạy tàu đã triển khai các lực lượng bảo vệ tư nhân tuần tra trên ke ga, kiểm tra vật dụng mang theo của hành khách. Camera theo dõi đã được nâng cấp để có thể ghi lại mọi tình huống trên tàu, dưới ga...
Nguồn: ĐSVN
toan