Làm thế nào để thiết thực hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, đặc biệt trong những chuyến đi biển dài ngày, thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ như hỗ trợ vốn, cho vay đóng tàu vỏ sắt... Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm mới nhất về công nghệ giúp tiết kiệm nhiên liệu, bước đầu cho thấy khi sử dụng thiết bị mới có thể tiết kiệm được 16-18% tiêu hao nhiên liệu vừa được công bố tại Bình Định đã hé mở hướng mới trong việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi.
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định giám sát thiết bị tạo khí HHO được lắp đặt trên tàu cá ngư dân Bình Định
Được sự cho phép của Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và công nghệ và các ban, ngành tỉnh Bình Định vừa phối hợp với Công ty Fujidenki lắp đặt và thử nghiệm hệ thống thiết bị điện phân nước tạo khí HHO trên tàu đánh cá để tiết kiệm nhiên liệu và giảm phát khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Công nghệ tách khí hydro trộn vào nhiên liệu diezen để sử dụng trong động cơ diezen, làm tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường là công nghệ không còn xa lạ ở các nước phát triển, tuy nhiên, ở Việt Nam còn khá mới mẻ. Nguyên liệu của thiết bị là nước tinh khiết. Nước có thể phân thành Hydro và oxy khi được điện phân. Khi đó, hydro và oxy sẽ gây ra phản ứng hóa học, năng lượng đốt cháy được sinh ra.
Thiết thực với ngư dân
Thực tế, thử nghiệm tại tàu cá ngư dân Bình Định, mức tiêu hao nhiên liệu trong 1 giờ giảm được 4,98 lít/giờ (16,6%); nếu tính trên 1 hải lý là 0,56 lít/hải lý (17,5%) và tổng số nhiên liệu khi thử nghiệm trên cùng một hành trình giảm được 22 lít dầu (tương đương khoảng 17,6%).
Ông Nguyễn Văn Bách (52 tuổi) – chủ tàu cá BĐ.91045-TS – tàu cá được lắp đặt thử nghiệm thiết bị mới hứng khởi: “Tôi xin đăng ký mua ngay thiết bị mới này. Tôi tin, không chỉ tôi mà hàng ngàn ngư dân đang mong chờ tiết kiệm chi phí đầu vào”.
Các thành viên Hội đồng thẩm định tham gia hành trình để đánh giá kết quả thử nghiệm lắp đặt thiết bị HHO trên tàu cá BĐ.91045-TS
Đối với ngư dân trong những chuyến đi biển dài ngày, mối lo lớn nhất là thu không đủ chi và bài toán về tiết kiệm nhiên liệu được đặt ra là nhu cầu cấp thiết.
Ông Nguyễn Văn Bách có thâm niên đi biển 37 năm nay bởi đây là nghề “cha truyền, con nối”. Ông cho biết: Mỗi chuyến đi biển từ 15-20 ngày trở lên tiêu tốn của ngư dân khoảng 4.000 lít dầu, tính ra mất khoảng 60 triệu đồng (chiếm khoảng 2/3 chi phí chuyến đi). Quy luật là lời ăn, lỗ chịu. Vậy nên, từ đầu năm đến nay đã 2/3 chuyến đi tàu phải về không, đành xin nợ tiền dầu vì sản lượng đánh bắt năm nay quá kém.
Chủ tàu cá BĐ.91045-TS Nguyễn Văn Bách mong mỏi thiết bị sớm được nhân rộng sản xuất để hỗ trợ ngư dân
Cũng trong tình cảnh như ông Bách, ông Lê Anh Tuấn, chủ tàu cá tại Bình Định cho biết thêm: Mỗi năm, trung bình chúng tôi đi biển từ 12-13 chuyến, trong đó được Nhà nước hỗ trợ tiền dầu 4 chuyến, đối với tàu công suất 500HP, mỗi chuyến được 75 triệu đồng, tương ứng trị giá 300 triệu đồng/năm. Nhưng sự hỗ trợ đó còn quá nhỏ so với những thiệt hại chúng tôi đang phải bù lỗ.
“Vì vậy, nếu thiết bị này được nhân rộng và sản xuất đại trà sẽ giúp ngư dân chúng tôi tiết kiệm hàng trăm triệu đồng/năm. Đây là điều ngư dân chúng tôi rất mong mỏi trong những chuyến vươn khơi, bám biển của mình”, ông Nguyễn Văn Bách đề cập.
Lợi cả kinh tế và môi trường
Công nghệ tách khí hydro từ nước trộn vào nhiên liệu diezen để sử dụng trong động cơ diezen là công nghệ tiên tiến do một chuyên gia Nhật Bản phát minh, được Sở Cấp phép Hàn Quốc cấp phép đồng thời công nhận quyền sở hữu trí tuệ.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định cùng các ban, ngành của tỉnh đánh giá kết quả thử nghiệm
Ông Bùi Đức Khuê – Giám đốc Công ty Fujidenki cho biết: Thiết bị này có tính cơ động khá cao. Người sử dụng có thể di chuyển thiết bị đi bất cứ đâu nếu lắp bánh xe. Một thuận lợi nữa là chúng ta có được nguyên liệu với chi phí thấp. Vì khí hydro– chất trở thành nguyên liệu có khả năng sinh ra chỉ từ nước mà con người sử dụng trong gia đình.Với công nghệ tách khí hydro và oxy từ nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, điện tử, chế tạo... có thể tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chi phí đầu vào hàng nghìn tỷ đồng, nâng cao lợi nhuận, đồng thời vẫn bảo vệ môi trường.
Chứng kiến cuộc thử nghiệm trên, TS. Nguyễn Văn Lạng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ, Chủ tịch Hội Thông tin khoa học công nghệ Việt Nam nhận định: Hiện nay, chúng ta có khoảng 11.000 tàu cá, hàng vạn xe buýt và ô tô, máy móc sử dụng nguyên liệu diezen, nếu được áp dụng công nghệ này thì không chỉ tiết kiệm được nhiều về mặt kinh tế mà còn có tác dụng giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đối với ngư dân, trên thực tế, mỗi chuyến đi biển rất tốn kém chi phí về nhiên liệu. Tốn kém là thế, tuy nhiên, hiệu quả kinh tế chưa cao. Vậy nếu, hiệu quả kinh tế chưa cao mà tiết kiệm được nhiên liệu thì đã làm lợi cho ngư dân rồi.
Kết quả thử nghiệm bước đầu tại tàu cá ngư dân tiết kiệm được 16-18% tiêu hao nhiên liệu đã mở ra hướng mới cho hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển.
“Mặt khác, trong nhiều chính sách hỗ trợ hiện nay của Nhà nước, nếu được xem xét nhân rộng thiết bị này ra cả nước, có thể tính đến giải pháp hỗ trợ 1 lần bằng thiết bị này thay vì chính sách hỗ trợ tiền dầu 4 chuyến/năm như hiện nay đang áp dụng. Đây là giải pháp rất thiết thực, chưa kể Nhà nước còn được hưởng lợi về môi trường”, TS Nguyễn Văn Lạng nhấn mạnh.
HHO là loại khí hỗn hợp gồm 2 hydro và oxy được tạo ra sau quá trình điện phân nước. Bản thân hydro là một nhiên liệu cháy. Tốc độ cháy của hydro nhanh hơn carbon (có trong các loại dầu nhiên liệu) từ 7-10 lần, vì vậy đóng vai trò như một chất dẫn cháy, giúp quá trình bắt cháy của nhiên liệu xảy ra sớm hơn.
Bình thường khi không có đủ oxy, carbon cháy không hoàn toàn tạo ra khí CO hoặc khói, gây ô nhiễm môi trường và giảm tuổi thọ động cơ. Công nghệ này tạo ra oxy và trộn vào nhiên liệu, giúp nhiên liệu cháy hoàn toàn, giúp giảm khí CO, CO2 thải ra môi trường , giảm khói bám vào động cơ, giúp tăng tuổi thọ động cơ.
|