Trong bối cảnh xe tự lái vẫn là một “ẩn số” thu hút sự quan tâm của nhiều ông lớn trong ngành công nghiệp ô tô, một nhà nghiên cứu đến từ Trường đại học Nevada-Reno (Mỹ) cho biết ông đã hoàn thành chuyến đi 1.500 dặm (gần 2.500km) trên một chiếc xe tự lái.
Raul Rojas bắt đầu cuộc hành trình từ biên giới Nogales (Mỹ) đến thành phố Mexico cùng 3 nhà nghiên cứu người Đức. Hệ thống máy tính trên ô tô có nhiệm vụ xử lý dữ liệu từ 7 máy quét laser, 8 camera, 7 radar cùng thiết bị GPS. Tham gia chuyến đi là chiếc xe Volkswagen Passat Variant 2010 đã được điều chỉnh với vô lăng, tốc độ hay hệ thống phanh đều được điều khiển qua máy tính.
Trong suốt cuộc hành trình, chiếc xe đã vượt qua hầu hết các loại địa hình, từ đường phố, đường cao tốc, khu đô thị cho đến những vùng sa mạc khắc nghiệt. Raul Rojas chia sẻ: “Đây là một thách thức mới, bước đi tiếp theo để tìm hiểu và phát triển các hệ thống nhằm giải quyết những vấn đề của xe tự lái”. Trước đó, chiếc xe cũng đã trải qua quãng đường hơn 300 km tại Đức.
Ông cho biết thêm: “Chúng tôi đi khoảng 400-480 km mỗi ngày nên mất 1 tuần để đến thành phố Mexico. Chúng tôi đã gặp phải một số đoạn đường cao tốc khá nguy hiểm”.
Ở thời điểm hiện tại, Rojas cũng đang làm việc để xây dựng các hệ thống tự lái có thể “bất chấp” mọi điều kiện đường xá và trở thành phương tiện vận tải của tương lai. Ông cho rằng: “Một khía cạnh quan trọng là phải dự đoán được hành vi của người đi bộ và các tài xế khác, đặc biệt trong các thành phố. Tôi tin rằng chỉ trong một vài năm nữa, con người có thể điều khiển những chiếc xe tự lái được trang bị máy tính và camera”.
Dù chưa có mẫu xe nào được sản xuất hàng loạt nhưng từ lâu, xe tự lái vẫn là mối quan tâm của nhiều hãng xe lớn với hàng loạt cuộc thử nghiệm trong điều kiện thực tế. Xe tự lái của Google đã hoàn thành quãng đường hơn 1 triệu dặm trong vòng 6 năm qua, chủ yếu quanh trụ sở chính của hãng ở California và gần đây là Texas. Các xe đã gặp phải hơn chục vụ tai nạn khác nhau, nhưng Google cho biết, chúng đều không đáng kể và do lỗi của con người.