Nhiều mẫu xe trang bị hệ thống hiển thị thông tin trên kính lái để hỗ trợ tài xế trong việc điều khiển xe, đồng thời giúp họ nhanh chóng nhận được các cảnh báo nguy hiểm. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho thấy hệ thống này gây tác dụng ngược.
Hệ thống hiển thị thông tin lên kính lái HUD (heads-up display) trên nhiều mẫu xe có vai trò cung cấp một loạt các thông tin cho tài xế như vận tốc di chuyển, các hướng dẫn hỗ trợ lái xe và cả những cảnh báo nguy hiểm, bằng cách chiếu những thông tin này lên kính chắn gió, giúp người lái dễ dàng nhìn thấy, và tạo cảm giác như đang điều khiển một chiếc chuyên cơ hiện đại. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của Đại học Toronto (Canada) cho thấy rằng hệ thống HUD đa nhiệm không những không giúp ích trong việc nâng cao mức độ an toàn cho các hành khách trong xe mà ngược chúng còn khiến việc điều khiển xe trở nên nguy hiểm hơn.
Hệ thống HUD chiếu thông tin dưới dạng hình ảnh kỹ thuật số lên mặt trong của kính chắn gió, nhờ đó, tài xế có thể nhận được một loạt các thông tin, từ những cuộc điện thoại gọi đến, cho tới các cảnh báo nguy hiểm về việc xe có khả năng sắp va chạm… Và rắc rối nằm ở số lượng các thông tin mà hệ thống này cung cấp. Theo nghiên cứu của Đại học Toronto dựa trên các phản ứng của tài xế, các thông tin mà hệ thống này cung cấp trong mọi trường hợp đều gây ra sự mất tập trung. Chính điều này khiến tài xế xao nhãng việc quan sát đường và nhận thức được nguyên nhân của các cảnh báo nguy hiểm.
“Tài xế buộc phải phân đôi sự tập trung của họ để tiếp nhận các thông tin từ hệ thống”, Giáo sư Ian Spence dẫn đầu chương trình nghiên cứu này tại Khoa Tâm lý của Đại học Toronto cho biết. “Họ giờ không chỉ phải tập trung quan sát điều kiện giao thông xung quanh chiếc xe như họ vẫn thường làm, mà nay còn phải chú ý vào thông tin cảnh báo hiển thị trên kính lái ngay trước mặt mình”.
Để xác định tác động của lượng thông tin mới này đến tầm nhìn của tài xế, Ian Spence và nhóm của ông đã tạo ra hai hình thúc kiểm nghiệm.
Đầu tiên, những người tình nguyện trải qua một loạt các bài kiểm tra dựa trên máy tính, theo đó họ được yêu cầu phải trả lời câu hỏi có bao nhiêu đốm sáng ngẫu nhiên định được chiếu lên màn hình, một cách nhanh nhất và chính xác nhất có thể.
Trong một số lần, các ô vuông viền đen xuất hiện cùng lúc với những đốm sáng, và tình nguyện viên cũng được yêu cầu báo cáo lại khi họ nhìn thấy các hình vuông như vậy.
Khi thống kê lại kết quả, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng, nếu những đốm sáng xuất hiện mà không kèm theo ô vuông đen, tỷ lệ câu trả lời chính xác cao hơn hẳn. Nhưng khi các đốm sáng (với số lượng ít) xuất hiện cùng với ô vuông đen, thì những người tham gia không thể ghi nhận sự có mặt của ô vuông đen theo tỷ lệ 1/15 lần, và nếu số lượng đốm sáng nhiều hơn, tỷ lệ này tăng lên 1/10 lần.
Điều này cho thấy là khi số lượng các đốm sáng càng tăng, thì những người tình nguyện càng ít chú ý tới ô vuông đen, đồng thời độ chính xác trong việc đếm số lượng các đốm sáng cũng giảm đi.
Thống kê này khiến nhóm nghiên cứu tin rằng mức độ tập trung vào nhiệm vụ chính bị giảm đi theo một tỷ lệ tương ứng với tần suất xuất hiện của nhiệm vụ thứ hai. Nếu gắn việc này với thực tế, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tài xế có thể không phản ứng đủ tốt trước việc có quá nhiều loại thông tin, để có thể phân biệt các mối nguy hiểm lớn sắp xảy ra và những nhắc nhở thông thường, hay nói cách khác là sự tập trung bị quá tải.
“Cần phải phân biệt rõ ràng giữa một cảnh sắp có va chạm xảy ra và một gợi ý yêu cầu đánh lái”, giáo sư Ian Spence nói. “Bằng không, việc phát cảnh báo có thể gây nguy hiểm nhiều hơn so với việc không có cảnh báo gì.”
Ở hình thức kiểm nghiệm thứ hai, nhóm nghiên cứu yêu cầu người tình nguyện nhận diện các hình dạng xuất hiện cùng với các đốm sáng. Lần này, các hình tam giác, hình vuông hoặc hình kim cương lần lượt được chiếu ngẫu nhiên lên màn hình cùng với các đốm sáng.
Với số lượng đốm sáng lớn, người tham gia thường sai trong việc nhận diện hình ảnh đi cùng. Trong lúc đang đếm số lượng đốm sáng, họ thường bỏ lỡ việc nhận diện các hình ảnh xuất hiện đột ngột.
“Khi các hình ảnh xuất hiện cùng những đốm sáng, người tham gia thực hiện cả hai nhiệm vụ chậm hơn tới 200%” Giáo sư Ian Spence cho biết. “Hai nhiệm vụ quan sát diễn ra đồng thời và đen xen vào nhau khiến tốc độ cũng như sự chính xác của cả hai giảm mạnh. Việc bỏ lỡ các cảnh báo đồng thời lại phản ứng chậm hơn nhiều là mối đe dọa lớn về an toàn.”