Với mẫu “Mercedes-Benz Future Bus” vừa ra mắt toàn cầu, Daimler Buses là nhà sản xuất đầu tiên thế giới tung ra loại xe buýt đô thị có khả năng vận hành tự động trong giao thông thực tế.
Daimler Buses, nhà sản xuất xe bus lớn hàng đầu thế giới, đang tạo ra những bước đi đột phá, tiên phong về công nghệ kỹ thuật. Mẫu xe buýt Mercedes-Benz Future Bus với công nghệ tự lái “CityPilot” vừa trình làng thế giới là một minh chứng. Chiếc xe có thể vận hành tự động lần đầu tiên trên đường thực tế, dài khoảng 20km ở Amsterdam, Hà Lan. Trên một tuyến xe buýt trung chuyển nhanh (BRT – Bus Rapid Transit) dài nhất ở châu Âu, chiếc Mercedes-Benz Future Bus có thể đạt vận tốc tới 70km/h, dừng chính xác đến khoảng vài centimet ở các trạm dừng và theo tín hiệu đèn giao thông, rồi lại tự động di chuyển, đi qua các đoạn đường hầm, tự phanh khi gặp vật cản hay người đi bộ và nhận biết được các tín hiệu giao thông. Người lái ngồi trên xe chỉ làm nhiệm vụ kiểm soát hệ thống.
Bước đi đầu tiên để tiến tới hoàn thiện loại xe bus vận hành hoàn toàn tự động trong giao thông đô thị chính là các tuyến BRT với các làn đường riêng biệt. Chiếc Future Bus có thể ghi nhận được đâu là con đường thích hợp cho lái tự động và báo cho người lái biết. Sau đó, việc của người lái xe buýt là nhấn một nút và chức năng lái tự động “CityPilot” được kích hoạt. Để chế độ này hoạt động, một điều kiện ở đây là người lái không được can thiệp vào chân ga, chân phanh và vô-lăng, bởi vì bất kỳ can thiệp nào của người lái sẽ loại bỏ chức năng CityPilot. Việc làm của người lái ở đây là theo dõi, kiểm soát vận hành của chiếc xe và có thể nắm quyền kiểm soát việc lái xe bất kỳ lúc nào.
CityPilot hiện bao gồm các hệ thống hỗ trợ, mà đã được sử dụng trên một số mẫu xe khách cao cấp của Mercedes-Benz, cũng như các hệ thống bổ sung từ Daimler Trucks được phát triển cao hơn cho giao thông đô thị. Các trang thiết bị quan trọng như radar tầm xa và tầm gần, một số lượng lớn các camera và hệ thống định vị dẫn đường điều khiển vệ tinh. Khả năng kết nối thông minh của các camera và các cảm biến là bước đột phá, và cho phép tạo ra hình ảnh chính xác về không gian xung quanh và vị trí chính xác của xe buýt.
Mercedes-Benz Future Bus đi qua đường hầm
CityPilot có khả năng ghi nhận chính xác đèn tín hiệu giao thông nhờ hệ thống camera phức hợp. Ngoài ra, chiếc xe bus cũng có thể kết nối Wi-Fi với hệ thống của tuyến đường, nhận thông tin về hiện trang đèn giao thông. Tốc độ của xe cho phép đạt 70km/h và tốc độ tối đa là được lập trình và thậm chí ở vận tốc này người lái cũng không cần phải can thiệp vào vô-lăng.
Xe buýt tới điểm dừng ở chế độ tự động. Nó dừng, mở và đóng cửa rồi lại tiếp tục hành trình. Khi gần tới đèn đỏ, xe buýt tự động phanh dừng một cách êm ái và an toàn. Trong khi người đi bộ vẫn đang băng qua đường, xe buýt dừng chờ để cho người đi qua và không di chuyển cho tới khi đường thông thoáng hoàn toàn. Để tránh đâm va, CityPilot có một hệ thống phanh tự động và sẽ can thiệp giảm tốc cho tới hãm dừng chiếc xe khi cần thiết.
Không chỉ đột phá, tiên phong về công nghệ, xe buýt Mercedes-Benz Future Bus còn có một thiết kế vô cùng ấn tượng, mang tính cách mạng, phá vỡ nhiều quy chuẩn thông thường trước nay. Do đội ngũ chuyên gia ở Daimler Buses phát triển, ngoại hình của xe buýt rất đặc biệt với giao thông công cộng. Xe có chiều dài 12 mét, trên nền tảng mẫu xe buýt bán chạy hàng đầu thế giới là Citaro nhưng được thiết kế lại hoàn toàn theo triết lý mới, hiện đại.
Nội thất xe buýt rất thoáng đãng và sáng. Sàn thấp của xe được phân chia là 3 khu vực: khu dịch vụ “service” ở phía trước gần lái xe; khu “express” dành cho những hành trình ngắn và tập trung vào khoang đứng. Phía sau là khu “lounge”, nơi dành cho những khách hàng có nhiều thời gian. Điện thoại thông minh của hành khách có thể được sạc với công nghệ không dây.
Một yếu tố cực kỳ quan trọng để phát triển đưa vào sử dụng rộng rãi loại xe buýt hoàn toàn vận hành tự động là cơ sở hạ tầng mà cụ thể là các tuyến đường phù hợp, đạt tiêu chuẩn về biển báo, tín hiệu, vạch đường…mà BRT là một điển hình. Những ưu điểm của các hệ thống BRT là chúng rất nhanh để xây dựng cho các nhà hoạch định đô thị và giao thông, cũng như đưa ra các giải pháp kinh tế và phức hợp. Chúng giảm lưu lượng giao thông cũng như ô nhiễm khí xả và ô nhiễm tiếng ồn, tăng tốc độ hành trình và như vậy hoàn thiện chất lượng cuộc sống.
Theo các chuyên gia, hiện nay có khoảng 180 hệ thống BRT ở tất cả các châu lục với tổng cộng khoảng 40.000 xe buýt. Chúng vận chuyển khoảng 30 triệu lượt hành khách hàng ngày. Các tuyến đường BRT hiện vẫn liên tục được lên kế hoạch, thiết kế.