Đó là một trong những nội dung quan trọng được Tổng giám đốc Vũ Tá Tùng nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết công tác thực hiện các giải pháp cấp bách đảm bảo an toàn giao thông đường sắt (ĐS) và tổng kết tháng cao điểm giải tỏa hành lang an toàn giao thông ĐS của Tổng công ty ĐS Việt Nam qua hệ thống truyền hình 8 khu vực, sáng ngày 23/6.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải về các giải pháp cấp bách kéo giám tai nạn giao thông tại các đường ngang qua ĐS, Tổng công ty ĐSVN đã khẩn trương và quyết liệt triển khai nhiều giải pháp với quy mô rộng, thực hiện đồng loạt trên khắp các tỉnh thành có ĐS đi qua.
Theo thống kê của Ban An ninh an toàn, tính từ tháng 2/2017 đến nay, ĐSVN đã lắp đặt bổ sung cần chắn tự động tại 144 đường ngang cảnh báo tự động (CBTĐ), nâng cấp 1 đường ngang CBTĐ thành đường ngang có gác chắn, lắp động cơ điện cho 43 đường ngang có gác… Xóa bỏ 231 vị trí có đường ngang dân sinh (ĐNDS), thu hẹp ĐNDS xuống dưới 1,5m tại 1.566 vị trí, cắm bổ sung biển báo hiệu “Chú ý tàu hỏa” tại 2.628 vị trí, cắm biển hạn chế phương tiện cơ giới đường bộ tại 148 vị trí và tiến hành bàn giao cho địa phương quản lý. Đối với các ĐNDS không thể thu hẹp mà chưa có cảnh giới, các đơn vị đã phối hợp với địa phương tổ chức duy trì cảnh giới tại 203 vị trí.
Quang cảnh hội nghị
Đặc biệt trong tháng cao điểm (16/5 đến 15/6/2017), Tổng công ty ĐSVN đã tổ chức 96 đợt ra quân, giải tỏa được 373/11.850 vị trị vi phạm hành lang ATGTĐS, 129/1.962 vị trí vi phạm hành lang thông tin tín hiệu, phát quang tầm nhìn tại 402 vị trí giao cắt đường sắt – đường bộ, ký cam kết không vi phạm hành lang ATGTĐS với 1.500 hộ dân sinh sống dọc 2 bên đường sắt…
Bằng các giải pháp cụ thể và quyết liệt, tình hình ATGTĐS trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông đường sắt đã được kiềm chế và giảm ở cả 3 tiêu chí số (số vụ, số người chết và người bị thương). Đáng chú ý, các vụ tai nạn xảy ra tại các đường ngang phòng vệ bằng biển báo và ĐNDS giảm sâu so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, 6 tháng đầu năm xảy ra 151 vụ, giảm 41 vụ (-21,4%) so với cùng kỳ năm 2016, làm chết 70 người, giảm 07 người (-9,1%) và bị thương 105 người, giảm 29 người (-21,6%).
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc Vũ Tá Tùng cho rằng kết quả trên là do nỗ lực, sự vào cuộc và tập trung cao độ để thực hiện nhiệm vụ của tất cả các đơn vị trong toàn ngành ĐS. “Chúng ta đang đi đúng hướng, tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, chúng ta cần một giải pháp căn cơ về lâu dài để giải quyết tận gốc rễ vấn đề”, Tổng giám đốc nhận định.
Tổng giám đốc Vũ Tá Tùng chủ trì hội nghị
Để tiếp tục giữ vững an toàn, Tổng giám đốc Vũ Tá Tùng yêu cầu các Chi nhánh KTĐS tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật, quy chuẩn, quy trình tác nghiệp khi lên ban đối với các chức danh trực tiếp làm công tác chạy tàu, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đối với các Công ty CP bảo trì Kết cấu hạ tầng ĐS, tập trung ưu tiên xử lý dứt điểm các điểm đen; cải tạo, sửa chữa bổ sung biển báo tại các ĐN, tiếp tục triển khai nghiệm thu đưa vào sử dụng các CCTĐ để đảm bảo ATGTĐS. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc triển khai Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT với UBND các tỉnh, thành phố có ĐS đi qua trong việc đảm bảo ATGT tại các giao cắt đồng mức giữa ĐS và đường bộ…
Đặc biệt, giao nhiệm vụ cho Ban Hợp tác quốc tế - Khoa học công nghệ tìm hiểu và áp dụng các ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác đảm bảo ATGTĐS như: các thiết bị tự động, các phần mềm quản lý, theo dõi và tổng hợp số liệu…; Ban Đầu máy toa xe nghiên cứu các thiết bị hỗ trợ cảnh báo lắp trên đầu máy… Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, truyền thông báo chí đẩy mạnh việc tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGTĐS, qua đó giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo an toàn cho người dân và xã hội.