VEC: Khoa học công nghệ luôn đồng hành cùng sự phát triển

Thứ hai, 21/05/2018 16:44
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sớm nhận thức được tầm quan trọng của ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN) với vai trò là đơn vị nòng cốt trong đầu tư phát triển, quản lý khai thác mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia, ngay từ những ngày đầu thành lập, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã chủ động trong nghiên cứu, ứng dụng KHCN, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trên các lĩnh vực hoạt động, phấn đấu trở thành doanh nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến trong ngành Giao thông vận tải (GTVT).

Tại các dự án đường cao tốc, do VEC làm Chủ đầu tư, đã tiên phong ứng dụng nhiều công nghệ ở trình độ thế giới. Trong xây lắp, có thể kể đến kết cấu neo dây văng dạng yên ngựa tại 02 cầu dây văng lớn, được ứng dụng thi công cầu dây văng Bình Khánh (Gói thầu J1) và cầu dây văng Phước Khánh (Gói thầu J3) Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành; hay công nghệ xử lý nền đất yếu bằng bơm hút chân không (VCM) được ứng dụng cho Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây;… Ngoài ra, VEC còn đưa vào khai thác hệ thống điều hành giao thông thông minh (ITS), công nghệ thu giá điện tử không dừng (ETC), ứng dụng văn phòng điện tử trong quản lý khai thác đường cao tốc và trong điều hành các công việc…

Không chỉ ưu tiên ứng dụng những công nghệ mới, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, VEC cũng đã có những bước đi đáng khích lệ trong chủ động nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, cải tiến công nghệ nhằm phục vụ có hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, nhiều giải pháp, công nghệ, sản phẩm khoa học kỹ thuật mới đã được phát triển và ứng dụng thành công vào các dự án, sớm phát huy hiệu quả, đóng góp vào thành công và phát triển chung của VEC thời gian qua, như kết cấu dầm bản bán lắp ghép (được ứng dụng tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi), hệ thống phần mềm quản lý tài sản và khai thác vận hành các tuyến đường cao tốc…

Đóng góp với công tác KHCN chung của ngành Giao thông vận tải, VEC cũng thường xuyên thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ; tham gia biên soạn, góp ý trong quá trình xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn Ngành ở các nội dung có thế mạnh.

VEC cũng đã trở thành đối tác KHCN uy tín với nhiều đơn vị trong và ngoài nước, được các tổ chức quốc tế lựa chọn để giới thiệu, chuyển giao, phối hợp triển khai công nghệ tiên tiến tại Việt Nam. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã chọn VEC là đơn vị triển khai và tiếp nhận Dự án hệ thống kiểm soát giao thông đường cao tốc khu vực Hà Nội là một ví dụ. Trong nước, VEC đã xây dựng mối liên hệ hợp tác chặt chẽ với các viện nghiên cứu, trường Đại học để kịp thời thông tin, cập nhật thông tin về xu hướng và những ứng dụng KHCN mới.

Thi công cầu dây văng Phước Khánh (Gói thầu J3) Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành,

có độ cao tĩnh không thông thuyền lớn nhất Việt Nam (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, VEC đã giải quyết thành công nhiều bài toán kinh tế/kỹ thuật trong đầu tư xây dựng cũng như vận hành khai thác các tuyến đường bộ cao tốc nhờ ứng dụng KHCN. Cụ thể, việc ứng dụng công nghệ xử lý nền đất yếu bằng bơm hút chân không (VCM) tại Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây giúp rút ngắn thời gian thi công từ 33 đến 50%, góp phần đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm khối lượng đất đắp vốn khan hiếm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giảm diện tích thu hồi đất. Còn hệ thống ITS đã giúp giảm tới 50% nhân lực trong công tác vận hành, 20% nhân lực trong công tác quản lý thu giá đường cao tốc, nâng cao hiệu quả giám sát, chống thất thoát tiêu cực trong công tác thu giá. Kết cấu dầm bản bán lắp ghép tại cầu vượt FO03 (Gói thầu 3B) Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giúp tiết kiệm 63% chi phí sản xuất dầm, đồng thời rút ngắn thời gian thi công chỉ còn 70% so với kết cấu dầm bản rỗng đổ tại chỗ truyền thống. Ngoài ra, việc thường xuyên rà soát, cập nhật công nghệ trong các thiết kế dự án đã giúp tiết giảm nhiều tỷ đồng trong tổng mức đầu tư các dự án.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, thời gian tới VEC sẽ tiếp tục định hướng phát triển KHCN bám sát chương trình, định hướng phát triển KHCN của ngành Giao thông vận tải, trong đó ưu tiên phát triển, hoàn thiện hệ thống điều hành giao thông thông minh (ITS), thúc đẩy triển khai thu giá điện tử không dừng (ETC) trên tất cả các tuyến đường cao tốc VEC quản lý; hoàn thiện và phát triển hệ thống phần mềm quản lý tài sản thông minh; ưu tiên ứng dụng công nghệ “xanh” thân thiện môi trường trong xây dựng các công trình giao thông, ứng dụng các vật liệu mới, tiên tiến trong xây dựng, bảo trì công trình đường bộ cao tốc; đầu tư công nghệ quan trắc công trình hiện đại, đồng thời có kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng KHCN 4.0 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Phát huy những kết quả đạt được, hy vọng rằng công tác nghiên cứu ứng dụng KHCN tại VEC sẽ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, thích ứng kịp thời với làn sóng KHCN 4.0 trên thế giới, đóng góp có hiệu quả vào sự phát triển chung của doanh nghiệp. 

P.V

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)