Thẻ thanh toán thông minh cho dịch vụ giao thông công cộng tại TP Hồ Chí Minh sẽ được áp dụng khi tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đi vào hoạt động trong năm 2021.
Sau đó, thẻ vé sẽ áp dụng liên tuyến, liên mạng lưới các phương tiện giao thông công cộng để tạo tiện lợi với chi phí thấp và khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng, giảm kẹt xe.
Thẻ thanh toán thông minh cho dịch vụ giao thông công cộng
sẽ được áp dụng sau khi tuyến Metro số 1 đi vào hoạt động. Ảnh: Mạnh Linh
Kế hoạch phát hành thẻ vé được Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh phối hợp với Visa dự kiến trong tháng 3/2020 và thực hiện vào tháng 9/2020. Thẻ vé thanh toán bằng công nghệ EMV của Visa năm 2019 đã được áp dụng ở hệ thống giao thông công cộng Singapore, có thể thực hiện các khoản thanh toán thẻ không tiếp xúc thông qua hệ thống máy tính có tương tác với nhà cung cấp dịch vụ. Tại thành phố London của Anh và một số thành phố ở Úc, Mỹ cũng đã áp dụng hình thức thanh toán phi tiếp xúc đối với các phương tiện giao thông công cộng.
Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, thành phố đã được cơ quan lãnh sự Anh tài trợ khoản kinh phí không hoàn lại để xây dựng khung tiêu chuẩn thẻ vé giao thông công cộng. Sau khi hoàn thiện thẻ vé giao thông công cộng, ngành giao thông TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nghiên cứu hệ thống thanh toán bù trừ phần lõi, tiến tới thẻ vé EMV trong tương lai để thanh toán được các loại hình giao thông công cộng, từ tàu điện ngầm, tàu điện trên cao đến xe buýt… Sau khi thẻ vé sử dụng thẻ chip công nghệ EMV hoàn thành, TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước sử dụng thẻ thanh toán thông minh cho dịch vụ giao thông công cộng.
Hiện nay, hạ tầng giao thông đô thị tại TP Hồ Chí Minh đang quá tải. Trong 5 năm qua, lượng xe máy tại thành phố mỗi năm tăng 7%, ôtô tăng trên 10%. Để giải bài toán này, các chuyên gia cho rằng cần đẩy nhanh các dự án phát triển phương tiện giao thông công cộng, sớm hoàn thành tuyến Metro để giảm tải áp lực hạ tầng giao thông. Bởi, lượng xe buýt của thành phố hiện có 2.500 chiếc, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Vì vậy, thành phố dự định sẽ đầu tư thêm 4.000 phương tiện xe buýt trong vòng 5 năm tới.
Việc phát triển thẻ thanh toán thông minh là một điều kiện bắt buộc, không chỉ gia tăng tính lợi ích cho người dân tham gia giao thông công cộng mà còn tạo thuận lợi để thành phố sẽ mở rộng nhiều loại hình vé phương tiện giao thông công cộng liên tuyến, liên phương tiện, vé tháng, vé quý, vé cuối tuần… Từ đó giúp nhà nước quản lý giá vé, quản lý tuyến, doanh thu của các đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ giao thông công cộng.
Ngoài ra, để thay đổi thói quen thanh toán của người dân từ tiền mặt sang dùng thẻ cần có sự tham gia của các ngân hàng để đẩy mạnh khả năng kết nối các hệ thống giao thông công cộng, liên thông công nghệ mở… Hiện nay, mới chỉ có tuyến xe buýt số 59 (Bến xe quận 8 – bến xe Ngã Tư Ga) đang áp dụng thí điểm thẻ vé bằng thẻ Visa do Vietbank phát hành. Theo đó, người sử dụng dịch vụ xe buýt chỉ cần quẹt thẻ vào thiết bị chấp nhận thẻ ở lối lên xe cửa trước xe buýt không mất thời gian thanh toán cũng như giảm được việc phải mang tiền mặt trong người nên tránh được nguy cơ mất mát.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thẻ vé phương tiện giao thông công cộng phải thực sự tiện lợi và chi phí thấp mới khuyến khích được người dân sử dụng, từ đó bỏ thói quen sử dụng tiền mặt. Ngoài ra, không nên xây dựng một tấm thẻ như chiếc thẻ rút tiền mặt, bởi những chiếc thẻ này còn liên quan đến công tác an toàn bảo mật. Chưa kể, người dân còn lo ngại nếu tích hợp nhiều tính năng tài chính như một chiếc thẻ thanh toán đa năng sẽ gặp rủi ro hơn khi đánh mất chiếc thẻ này trong quá trình sử dụng, hay lo ngại vấn đề an toàn bảo mật khi quẹt thẻ tại các điểm công cộng. Do đó, bên cạnh thẻ thanh toán toán đa năng, nên chăng cũng sử dụng các mã QR code mà các ví điện tử đang áp dụng để gia tăng thêm sự tiện lợi cho người dân khi có thói quen sử dụng điện thoại hàng ngày, tránh trường hợp quên mang thẻ.