Nhằm tăng cường hợp tác giữa Trường Đại học Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh và Nippon Koei Việt Nam, Tập đoàn tư vấn hàng đầu của Nhật Bản vừa phối hợp tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Utilization of HCMC MRT Line1 and Development Concept for East HCMC New City” (Vai trò của tuyến đường sắt đô thị số 1 và các ý tưởng phát triển thành phố phía Đông TP. HCM).
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên trình bày các chuyên đề như: “Tầm nhìn mới cho phát triển hạ tầng, kinh tế, xã hội thông qua hợp tác nghiên cứu giữa tam giác chính quyền, trường đại học và ngành công nghiệp” (báo cáo viên, TS. Lê Thanh Bình, Khoa Công trình giao thông). TS Lê Thanh Bình giới thiệu về nhóm nghiên cứu kỹ thuật đa ngành MERGE và các lĩnh vực chuyên môn. Các hướng nghiên cứu của nhóm và các hướng hợp tác tiềm năng về các công nghệ mới bao gồm Internet vạn vật (IoT), mô hình thông tin công trình (BIM – Building Information Modelling), bản sao kỹ thuật số (Ditigal Twin), dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (Big data, AI) trong mô phỏng tính toán, quản lý dữ liệu số của thông tin hệ thống cơ sở hạ tầng từ giai đoạn thiết kế, thi công, vận hành và bảo dưỡng.
Các báo cáo viên trình bày các chuyên đề
Đại diện Nippon Koei, ông Y. Ishihara trình bày vấn đề về thu thập và phân tích dữ liệu phục vụ cho quá trình khai thác, vận hành và bảo dưỡng hệ thống đường sắt đô thị nhằm tối ưu hóa hệ thống, hạn chế sai sót của con người, đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành, khai thác. Các dữ liệu thu thập gồm có: hệ thống đường sắt, nhà ga, kết cấu, hệ thống vận hành, hành khách, môi trường thông qua các công nghệ số hiện đại như SCADA, các thiết bị quan trắc hiện trường, camera, máy bán vé, phần mềm trên điện thoại thông minh.
Đề cập đến việc hợp tác nghiên cứu phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, TS. Nguyễn Trọng Tâm đề xuất các hướng hợp tác như hợp tác Hệ thống đường sắt metro, Khai thác không gian ngầm trong đô thị, Phát triển hệ thống đường vành đai, Cần phát triển, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về đường sắt đô thị do hiện tại đa số tiêu chuẩn đang được sử dụng là của nước ngoài và thường là tiểu chuẩn của nước cho vay vốn khiến khó có thể thống nhất hệ thống tiêu chuẩn chung; Xây dựng trung tâm mô phỏng chạy tàu, ứng dụng của công nghệ BIM vào quản lý vận hành hệ thống đường sắt đô thị; Hợp tác thông qua các buổi báo cáo chuyên đề, nhận sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp….
Thông qua hội thảo, các đại biểu đã trao đổi ý tưởng để có kế hoạch hợp tác giữa Nippon Koei và các đơn vị trong trường về chuyên giao công nghệ, nộp đơn cho các quỹ nghiên cứu quốc tế và trong nước. Trong tương lai, Trường Đại học Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh sẽ cố gắng phát triển các ý tưởng này thành những dự án cụ thể giữa Trường và Nippon.