Ngành Giao thông vận tải đặt mục tiêu đến năm 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt nhưng đến nay vẫn còn tồn tại hơn 3.600 lối đi tự mở (chiếm 71%) tổng giao cắt đường sắt và đường bộ trên cả nước.
Hiện, còn 3.668 vị trí lối đi tự mở, chiếm tỉ lệ 71% tổng số giao cắt
trên cả nước gây mất an toàn giao thông - Ảnh minh họa
Đề án bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt được ban hành theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 358) nêu rõ mục tiêu, các nội dung công việc, lộ trình cần triển khai thực hiện, nguồn vốn của các chủ thể từ Trung ương đến địa phương, với mục tiêu đến năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở.
Giải pháp căn cơ
Xác định xóa bỏ lối đi tự mở là giải pháp căn cơ để hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp.
Cục Đường sắt cho biết, việc thực hiện kế hoạch xóa bỏ lối đi tự mở thời gian qua đã giảm, xóa bỏ được 137 vị trí lối đi tự mở so với thời điểm ngày 30/12/2021, 190 vị trí lối đi tự mở so với thời điểm ban hành Quyết định 358 và 432 vị trí lối đi tự mở nguy hiểm so với thời điểm ban hành Nghị định số 65/2018/NĐ-CP. Cùng với đó, đã xây dựng đường gom, hàng rào ngăn cách đường bộ, đường sắt được 4.685 m.
Ngành đường sắt cũng đã phối hợp cùng địa phương thực hiện rào thu hẹp và duy trì trạng thái tại 1.477/1.828 vị trí cần thu hẹp (đạt 81%); duy trì hiện trạng biển cảnh báo đã cắm tại 2.999/3.668 vị trí (đạt 82%); duy trì hiện trạng cảnh giới tại 370/601 vị trí giao cắt đường bộ - đường sắt cần cảnh giới (61,5%); cắm biển hạn chế phương tiện cơ giới tại các lối đi tự mở công cộng có chiều rộng ≥ 3 m tại 187/755 vị trí (25%).
Hiện, còn 3.668 vị trí lối đi tự mở, chiếm tỉ lệ 71% tổng số giao cắt trên cả nước.
Không quyết liệt sẽ khó đạt mục tiêu
Tuy nhiên, Cục Đường sắt nhìn nhận: Công tác triển khai thực hiện Đề án 358 gặp nhiều khó khăn, một số tỉnh còn chậm trễ. Lý do hơn 2 năm qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc kiểm tra hiện trường để lập kế hoạch, lộ trình thực hiện.
Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng nếu không có giải pháp quyết liệt sẽ khó bảo đảm mục tiêu đề ra.
"Mục tiêu Đề án 358 đặt ra là đến năm 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở. Nhưng giờ đã gần hết quý III/2022 vẫn còn tồn tại hơn 3.600 vị trí.
Cục Đường sắt đã có nhiều văn bản đôn đốc, tuy nhiên công tác tổ chức lập kế hoạch, lộ trình tổng thể để xóa bỏ lối đi tự mở của một số địa phương còn chậm. Vì thế chúng tôi đang rốt ráo làm việc với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ”, ông Khôi cho hay.
Cục Đường sắt cũng đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành cần ưu tiên bố trí vốn trong năm 2022 và các năm tiếp theo để các địa phương triển khai thực hiện các hạng mục công việc theo kế hoạch, lộ trình đã được phê duyệt tại Quyết định 358 và Quyết định số 1149 của Bộ GTVT.
Đối với các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua, cần khẩn trương lập hồ sơ trình cấp thẩm quyền phê duyệt, bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện kế hoạch, lộ trình của Đề án đã được Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, ưu tiên kinh phí đầu tư để thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của địa phương như xây dựng đường gom, công trình phụ trợ khác để xóa bỏ lối đi tự mở, giải tỏa các công trình vi phạm.
Cùng với đó, các tỉnh/thành phố cần rà soát, bổ sung quy hoạch giao cắt đường bộ - đường sắt trên địa bàn, đề xuất bổ sung các vị trí dự kiến cần xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp đường ngang theo kế hoạch.