Đây là giải thưởng của Hiệp hội Kỹ sư tư vấn quốc tế (FIDIC), công trình do Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) thực hiện công tác tổng thể tư vấn thiết kế.
Cầu Vân Tiên trên tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái
Mới đây, Hiệp hội Kỹ sư tư vấn quốc tế (FIDIC) đã công bố những Dự án đoạt Giải thưởng Dự án FIDIC danh giá nhân dịp tổ chức này kỷ niệm 110 năm thành lập.
Sau khi xem xét tất cả các hồ sơ dự giải, Hội đồng giám khảo đã xác định 30 dự án đáp ứng các tiêu chí nâng cao để nhận Bằng khen cho Giải thưởng Dự án FIDIC 2023 (Award of Merit). Các dự án này đến từ các nước: Úc, Botswana, Canada, Trung Quốc, Croatia, Pháp, Ireland, Mozambique, Philippines, Singapore, Somalia, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Việt Nam.
Giải thưởng Dự án FIDIC cũng chứng minh tầm quan trọng ngày càng tăng của lĩnh vực cơ sở hạ tầng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) và chương trình nghị sự không phát thải ròng, với các dự án lọt vào danh sách rút gọn không chỉ bao gồm một mà là tất cả 17 SDGs các mục tiêu trên một phạm vi đáng kể của các giá trị dự án từ nhỏ đến rất lớn.
Dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái do Trung tâm Tư vấn thiết kế Đường bộ và Sây bay thuộc Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) thực hiện công tác tổng thể tư vấn thiết kế, được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt tại Quyết định số 418/QĐ-UBND ngày 09/02/2018.
Dự án gồm 2 dự án thành phần: Dự án cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên với chiều dài 16,08 km và Dự án đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái với chiều dài khoảng 63,29 km. Quy mô dự án gồm 4 làn xe cao tốc (chiều rộng làn xe B=3,75 m/làn).
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái
Tuyến cao tốc được thiết kế phù hợp các yêu cầu kỹ thuật của tuyến cao tốc khai thác vận tốc 120 km/h. Ngoài ra các yếu tố hình học và bình diện được kết hợp hài hòa đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác cũng như tạo cảnh quan cho tuyến đường.
Công trình cầu được thiết kế đảm bảo yêu cầu luồng giao thông thủy cũng như không vi phạm luồng hàng hải và giảm thiểu tối đa làm ảnh hưởng đến luồng lạch, hoạt động giao thông thủy.
Đối với đoạn tuyến qua khu vực đất yếu được thiết kế giải pháp ổn định công trình cũng như lựa chọn các giải pháp đảm bảo tận dụng các vật liệu địa phương cũng như vật liệu đào trên tuyến.
Tuyến kè gia cố mái đối với đoạn tuyến giáp biển được xây dựng đảm bảo ổn định và không gây ra hiện tượng xói lở trong quá trình khai thác;
Giải pháp thiết kế đã được xem xét đảm bảo các yếu tố về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt và các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các Quyết định số 142/QĐ-BTNMT ngày 18/01/2018 và Quyết định số 2348/QĐ-BTNMT ngày 23/10/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Dự án xây dựng nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực Đông Bắc Việt Nam, phục vụ nhu cầu đi lại của địa phương cũng như các vùng lân cận, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực.
Dự án góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng, giảm chi phí vận tải cũng như chi phí sửa chữa hoặc phí môi trường.
Lễ công bố và trao giải thưởng FIDIC PROJECT AWARD 2023 sẽ được tổ chức vào tối thứ ba ngày 12/9/2023 tại Hội nghị Cơ sở hạ tầng toàn cầu của FIDIC tại Singapore.
"Đây là thành quả của sự cố gắng bền bỉ, không ngừng đổi mới sáng tạo của tập thể CBNV TEDI để làm chủ thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, gắn hoạt động xây dựng với phát triển bền vững, đặc biệt là môi trường", lãnh đạo TEDI chia sẻ và cho biết thêm, đây là lần thứ năm TEDI đoạt thưởng của FIDIC. Trước đó, từ năm 2017 - 2021, 4 dự án do TEDI tham gia thiết đã được vinh danh tại FIDIC, gồm: Dự án nút giao Ngã Ba Huế (2018), dự án cầu Bạch Đằng (2019), dự án cầu Hoàng Văn Thụ (2021) và dự án cầu Cửa Hội (2022).