Nếu đáp ứng hạ tầng trạm sạc phù hợp với nhu cầu, nhiều chuyên gia nhận định xe điện sẽ phát triển vượt bậc tại thị trường Việt Nam.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng xe điện đang tăng mạnh tại Đông Nam Á. Tính đến quý 2/2023, doanh số bán xe điện chạy pin ở thị trường này tăng gấp 8 lần bởi sự phát triển mạnh mẽ tại Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Malaysia.
Cụ thể, doanh số bán xe điện tại Việt Nam có những bước tiến mới khi hàng loạt mẫu xe điện ra mắt và phân phối tại thị trường. Tại Việt Nam, cả nước hiện có 22.000 ô tô thuần điện, hơn 11.000 xe hybrid (kết hợp sử dụng xăng điện), khoảng 2 triệu mô tô - xe gắn máy điện và hơn 700.000 xe đạp điện.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu trung hòa khí carbon tại Việt Nam, những phương tiện năng lượng sạch như xe điện vẫn cần phải lần lượt thay thế nhiều xe động cơ đốt trong hơn. Trong khi đó, một trong những thách thức chính đến từ việc cơ sở hạ tầng trạm sạc chưa phù hợp với nhu cầu.
Hiện tại, có khoảng 50.000 trạm sạc xe điện trải dài rộng khắp 63 tỉnh thành tại Việt Nam bởi sự nỗ lực không ngừng nghỉ của hãngxe VinFast và một số đơn vị khác. Tuy nhiên, để đảm bảo kịp thời yêu cầu của mục tiêu trung hòa carbon của Chính phủ, cần tiếp tục bổ sung các giải pháp để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng hiện có của Việt Nam. Do đó, nhiều chuyên gia nhận định cần có những giải pháp để gia tăng trạm sạc, tạo nên sự thực dụng cho xe điện.
Nhiều chuyên gia dự báo sự phát triển của trạm sạc sẽ tỉ lệ thuận với sức hấp của xe điện.
Tại hội thảo "Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện", ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM dẫn kết quả khảo sát hơn 10.000 người dân tại TP HCM về việc có muốn đổi sang dùng xe điện trong tương lai hay không.
Dữ liệu cho thấy, khoảng 86,83% người tham gia khảo sát trả lời là "Chưa có nhu cầu" Bốn lý do chính được đưa ra là hạ tầng trạm sạc chưa phủ rộng; giá bán xe điện vẫn còn đắt; công nghệ pin chưa ổn định và không quan tâm vì đã quen dùng xe cũ.
Nhận định về vấn đề này, TS. Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho biết rằng hệ thống cơ sở vật chất hiện nay chưa thể đáp ứng nhu cầu của xe điện. Nếu phát triển phương tiện giao thông điện quá nhanh trong khi khả năng cung ứng và hạ tầng điện chưa đáp ứng được, sẽ là rào cản rất lớn về mặt kỹ thuật.
"Để thu hút người dân mua xe điện, cần đảm bảo khả năng đáp ứng đầy đủ hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng thuận tiện. Trong khi thực tế, mạng lưới trạm sạc cho các tuyến đi từ thành phố này sang thành phố khác, tỉnh này sang tỉnh khác vẫn còn hạn chế", ông Sơn bổ sung thêm.
Hiến kế mở rộng quy mô trạm sạc điện
Nhằm phát triển triển hơn nữa hệ thống trạm sạc tại Việt Nam, ông Wilmar Martinez, chuyên gia Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) nhận định có một số điểm trọng tâm để mở rộng quy mô trạm sạc điện.
Trước hết, Việt Nam cần sớm chọn cho mình một tiêu chuẩn sạc. Tiêu chuẩn các loại phích cắm vào cổng kết nối sạc có sự khác nhau giữa các khu vực và phụ thuộc thiết kế của từng mẫu xe. Do vậy, việc phát triển hệ thống trạm sạc có thể đáp ứng nhu cầu cho tất cả các loại xe điện có chuẩn sạc khác nhau cũng là một thách thức.
Việt Nam cần xác định một tiêu chuẩn sạc xe điện như một số quốc gia phát triển, điển hình là Mỹ.
Cùng với đó, Chính phủ cần ban hành những chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, công ty sản xuất xe điện, đơn vị cung ứng trạm sạc và cả người tiêu dùng. Ngoài ra, các đơn vị cung cấp dịch vụ cần ưu tiên hạ tầng sạc trên những tuyến đường có mật độ giao thông cao. Đặc biệt, cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng lưới điện để đáp ứng yêu cầu xây dựng nhiều trạm sạc.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2045, phát triển xe điện chiếm lĩnh thị trường, ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban truyền thông Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) kiến nghị, cần có sự chung tay, phối hợp của Nhà nước và doanh nghiệp.
Trong đó, Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng chính sách và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Sau khi triển khai cần có những đánh giá về tác động, ảnh hưởng để rút kinh nghiệm và điều chỉnh.
Về phía doanh nghiệp, đạidiện VAMA cho rằng, việc nghiên cứu, đầu tư của các nhà sản xuất ô tô cần được thực hiện một cách cân bằng, phát triển hài hòa để tránh gây ra xáo trộn thị trường. Nếu thực hiện không cân bằng, phù hợp, có thể ảnh hưởng tới quyết định đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh.