Tạo hành lang pháp lý phát triển đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị

Thứ ba, 16/04/2024 09:02
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng ngày 15/4, Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp với Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề “Những kinh nghiệm quốc tế tốt hỗ trợ xây dựng Luật Đường sắt 2017 sửa đổi”.

Sửa đổi Luật nhằm tạo động lực phát triển đường sắt

Tại hội thảo, Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN Nguyễn Huy Hiền cho biết, Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 (Luật Đường sắt 2017) có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018. 

Sau hơn 5 năm thi hành, Luật Đường sắt 2017 đã phát huy hiệu quả, xác định rõ vai trò của Nhà nước trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt; cơ chế, chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, phát triển công nghiệp đường sắt; trách nhiệm của từng cơ quan trong hoạt động đảm bảo trật tự an toàn, quản lý tài sản kết cấu hạ tầng…

Tại hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình Aus4Transport sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc, các chuyên gia trong và ngoài nước đã chia sẻ kinh nghiệm về chính sách phát triển đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành còn một số tồn tại, bất cập. Các chính sách ưu đãi trong hoạt động đường sắt chưa được quy định đồng bộ dẫn đến hầu như không phát huy được trong thực tiễn; Huy động vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt còn hạn chế; Phân loại tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt chưa phù hợp dẫn đến việc khai thác tài sản gặp nhiều khó khăn; Chưa có quy định ràng buộc về kết nối đường sắt với các phương thức vận tải khác, kết nối các khu đầu mối hàng hóa.

Chưa có quy định ràng buộc về chuyển giao công nghệ, cơ chế đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp trong nước thực hiện một số nhiệm vụ có tính chiến lược, làm tiền đề phát triển công nghiệp đường sắt; Thiếu cơ chế để rút ngắn thời gian xây dựng đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao...

Đường sắt là phương thức vận tải có ưu thế về khối lượng lớn, nhanh, an toàn và thân thiện môi trường, tuy nhiên trong thời gian qua, việc ưu tiên phát triển đường sắt chưa được quan tâm đúng mức, hạ tầng lạc hậu, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật cho thấy một số quy định về giao thông vận tải đường sắt còn chưa đồng bộ dẫn đến chưa triển khai được trong thực tiễn, thiếu các quy định cụ thể, thiếu cơ chế, chính sách đột phá cho phát triển đường sắt.

Do vậy, việc xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) là yêu cầu cấp bách và cần thiết để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, tạo ra không gian mới, động lực mới phát triển kinh tế - xã hội.

"Hiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) đã được Cục Đường sắt VN là cở quan chủ trì tham mưu cho Bộ GTVT thực hiện theo đúng quy định. Đến nay, Bộ GTVT đã nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của Thường trực Chính phủ, thành viên Chính phủ, các ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và đang chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ", ông Hiền cho hay.

Áp dụng kinh nghiệm thực tiễn quốc tế

Nhằm hỗ trợ Cục Đường sắt VN trong xây dựng dự thảo Luật, Chương trình Aus4Transport do Bộ Ngoại giao và Thương mại (DFAT) của Chính phủ Australia hỗ trợ cho Bộ GTVT Việt Nam dự án "Những kinh nghiệm quốc tế tốt hỗ trợ Cục Đường sắt VN xây dựng dự thảo Luật Đường sắt 2017 sửa đổi". 

Dự án sẽ hỗ trợ về các nội dung: Tích cực sử dụng các thông lệ tốt quốc tế để soạn thảo Luật Đường sắt (sửa đổi); Nâng cao năng lực xây dựng thể chế, quy định pháp luật; Chủ động định hướng, thiết lập các mốc chuyển dịch sang năng lượng xanh trong lĩnh vực đường sắt.


Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, xây dựng, vận hành đường sắt

tốc độ cao, đường sắt đô thị các nước (Ảnh minh họa)

Phạm vi của hoạt động của Dự án gồm: Khảo sát và nghiên cứu thực trạng ở Việt Nam, các thông lệ quốc tế tốt và đưa ra các khuyến nghị đối với chính sách về: Đường sắt tốc độ cao; Mô hình phát triển đường sắt đô thị và mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (Transit-oriented Development - TOD) cho đường sắt đô thị; Thích ứng với biến đổi khí hậu trong ngành đường sắt và quản lý an toàn phương tiện đường sắt.

Cùng đó, tổ chức các đoàn công tác học tập kinh nghiệm tại nước ngoài để tìm hiểu các thông lệ quốc tế tốt; tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề về các nội dung nghiên cứu.

Hội thảo chuyên đề là một hợp phần của Dự án, diễn ra trong hai ngày 15, 16/4/2024 với ba chuyên đề chính: Đường sắt tốc độ cao; Đường sắt đô thị; Biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ, thảo luận kinh nghiệm quốc tế về khung pháp lý trong xây dựng đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, mô hình TOD, quản lý an toàn và vấn đề biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng và điện khí hóa ngành đường sắt; tập trung về các chủ thể về đầu tư, xây dựng, kinh doanh. Đồng thời đưa ra các khuyến nghị trong sửa đổi Luật Đường sắt về các nội dung này.

Ông Nguyễn Ngọc Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, cố vấn cao cấp của Dự án nhấn mạnh, các khuyến nghị đưa ra sẽ được thẩm định, sử dụng trong việc sửa đổi bổ sung Luật Đường sắt nói riêng và các văn bản pháp luật nói chung liên quan đến phát triển đường sắt.

"Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) lần này đã có các nội dung đánh giá ở các cấp độ khác nhau và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đường sắt tốc độ cao là lĩnh vực rất mới, dù đã được quy định trong Luật Đường sắt 2017 nhưng chưa thực hiện được. Tương tự, lĩnh vực đường sắt đô thị tuy đã được đầu tư xây dựng nhưng chưa phát triển được.

Do vậy cần có các quy định pháp luật cụ thể, có hành lang pháp lý là cơ sở để phát triển đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, từ huy động nguồn lực, đầu tư, xây dựng, đến vận hành và đảm bảo an toàn gắn với biến đổi khí hậu. Việc đánh giá, nhìn nhận kinh nghiệm thực tiễn của các nước, để có thể áp dụng vào văn bản pháp luật của Việt Nam, từ đó có được hành lang pháp lý đầy đủ hơn để phát triển đường sắt nói chung, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị nói riêng", ông Đông nói.

hoavt

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)