Tiếng ồn phát sinh từ dòng phương tiện giao thông (PTGT) trong giai đoạn vận hành tuyến đường bộ cao tốc là một trong những vấn đề môi trường có ảnh hưởng lâu dài đến các đối tượng lân cận dọc tuyến, do vậy cần được quan tâm đầy đủ trong quá trình thực hiện dự án.
Dải cây xanh dọc tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Cơ sở xác định công trình giảm thiểu tiếng ồn cho đường bộ cao tốc
Trong giai đoạn vận hành của dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc có nhiều vấn đề môi trường phát sinh, trong đó tiếng ồn là một trong những nguồn tác động lớn có tác động mạnh và lâu dài đến các đối tượng dọc tuyến. Ô nhiễm tiếng ồn do đường cao tốc tạo ra có thể gây ra căng thẳng không mong muốn và có thể là các vấn đề sức khỏe khác nếu tình trạng này kéo dài, do vậy vấn đề này cần phải được dự báo, đánh giá và có biện pháp kiểm soát phù hợp.
Để giảm tác động của tiếng ồn giao thông cho dự án đường cao tốc, một trong những giải pháp là thường thiết kế các tấm chắn tiếng ồn có tác dụng chặn hoặc làm chệch hướng sóng âm và được thực hiện theo các bước sau:
- Đánh giá vấn đề tiếng ồn: Xác định mức độ tiếng ồn hiện tại và dự kiến tại các địa điểm gần dọc tuyến (nhà ở, khu dân cư, trường học, y tế, công viên hoặc môi trường sống...). Có thể sử dụng máy đo tiếng ồn, mô hình máy tính hoặc khảo sát thực địa để thu thập dữ liệu nhằm xác định các nguồn và đặc điểm chính của tiếng ồn (tốc độ, âm lượng, tần suất và hướng lưu thông dòng PTGT...).
- Chọn loại tường chống ồn và vật liệu: Bước tiếp theo là chọn loại và vật liệu của tường chống tiếng ồn phù hợp nhất với địa điểm và ngân sách của dự án. Có 4 loại tường chống tiếng ồn chính: Tường, gờ, tường trên gờ và thảm thực vật. Tường là cấu trúc thẳng đứng làm bằng bê tông, gỗ, kim loại hoặc nhựa. Tường trên gờ là sự kết hợp giữa tường và gờ làm tăng chiều cao và hiệu quả của rào chắn. Thảm thực vật là việc sử dụng cây cối, cây bụi hoặc cỏ để tạo vùng đệm tự nhiên. Mỗi loại đều có ưu và nhược điểm về giá thành, độ bền, bảo trì, thẩm mỹ và hiệu suất giảm tiếng ồn.
- Xác định chiều cao và chiều dài tường chống ồn: Bước thứ ba là tính toán chiều cao và chiều dài tối ưu của tấm chắn tiếng ồn để đạt được mức giảm tiếng ồn mong muốn. Chiều cao của tường chống ồn phụ thuộc vào khoảng cách giữa nguồn và điểm tiếp nhận, độ cao của địa hình, góc nhìn. Chiều dài của tường phụ thuộc vào mức độ của tiếng ồn và độ cong của đường cao tốc. Về lý thuyết thì tường càng cao và dài thì càng hiệu quả trong việc chặn tiếng ồn. Tuy nhiên, cũng có những hạn chế thực tế và pháp lý cần xem xét, chẳng hạn như an toàn, tầm nhìn, lối vào, hệ thống thoát nước, tiện ích và quyền sở hữu.
- Đánh giá tác động tường chống ồn và tính khả thi: Cần đánh giá tác động tiềm năng và tính khả thi của tường chống tiếng ồn đối với môi trường, cộng đồng và dự án. Các yếu tố cần xem xét tác động của tường chắn đối với chất lượng không khí, động vật hoang dã, thẩm mỹ, công bằng xã hội và dư luận. Cần ước tính chi phí và lợi ích của tường chắn, bao gồm xây dựng, vận hành, bảo trì và giảm tiếng ồn thông qua đánh giá môi trường, phân tích lợi ích chi phí và tham vấn cộng đồng để hỗ trợ ra quyết định.
Tường chống ồn là một trong những giải pháp phổ biến và hiệu quả nhất để giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn trên đường cao tốc. Theo các bước này, dự án có thể thiết kế một tường chống tiếng ồn đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan trong dự án và cải thiện chất lượng cuộc sống cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn giao thông.
Các công trình giảm thiểu tiếng ồn cho đường bộ cao tốc và khả năng áp dụng ở Việt Nam
- Dải cây xanh: Đây là một giải pháp hiệu quả, kinh tế, có tính khả thi cao do dọc tuyến cao tốc đều có đất hành lang bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và đất dự trữ đã giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, cây xanh còn góp phần tạo cảnh quan môi trường, cải tạo khí hậu, chống bụi và giảm ô nhiễm môi trường. Cây xanh có tác dụng phản xạ và hút âm. Độ giảm tiếng ồn qua cây xanh phụ thuộc vào loại cây, cách trồng, mật độ và thời tiết trong năm.
- Tường chống ồn: Nguyên lý của tường chống ồn là làm giảm âm thanh đến các nguồn tiếp nhận dọc theo tuyến đường cao tốc bằng cách hấp thụ âm, truyền qua, phản xạ lại đường hoặc nhiễu xạ (âm thanh truyền đi theo đường dài hơn).
Tường chống ồn cơ bản gồm 2 loại: Tường chống ồn phản âm và tường chống ồn tiêu âm. Theo Enda Murphy and Eoin A.Kinh thì tường chống ồn cho đường cao tốc có các loại cơ bản sau: Tường chống ồn hấp thụ âm thanh đơn giản; tường chống ồn có đỉnh chắn âm; tường chống ồn góc cạnh; tường chống ồn cách âm cấu tạo bởi kè hoặc tường chắn đất; tường chống ồn hình ống; tường chống ồn có chiều cao thay đổi dọc theo tuyến; tường chống ồn kè đất kết hợp với tấm pin hấp thụ năng lượng mặt trời.
Theo TCCS 45:2022/TCĐBVN thì tường chống ồn gồm các loại: Loại gắn với mặt đất (đê chống ồn, tường chống ồn, hệ thống tường và đê chống ồn kết hợp); tường chống ồn gắn trên các kết cấu khác (tường chống ồn gắn trên cầu, tường chống ồn trên tường gắn đất).
Tường chống ồn dọc đường bộ cao tốc được làm từ rất nhiều vật liệu khác nhau. Những vật liệu được khuyến cáo sử dụng nhằm mang tới khả năng chống ồn ở khu vực đường cao tốc và phải mang tới nhiều lợi ích như: Trọng lượng nhẹ giúp giảm trọng lượng hơn so với việc sử dụng vật liệu thông thường; độ trong suốt của các tấm chống ồn cao giúp cho lái xe dễ dàng quan sát và đảm bảo được về tầm nhìn tốt hơn; khả năng chống chịu tốt, chống lại được va đập và lực tác động mạnh, có tuổi thọ sản phẩm cao; kỹ thuật lắp đặt hoặc tháo dỡ thuận tiện; có thể dễ dàng uốn cong hoặc tạo hình theo yêu cầu một cách dễ dàng; có tính thẩm mỹ; an toàn.
Tường chống ồn tuyến đường Vành đai III, TP. Hà Nội
Cần quan tâm đến các công trình giảm thiểu tiếng ồn
Hiện nay, việc thiết kế các công trình giảm thiểu tiếng ồn (trừ dải cây xanh) cho hệ thống đường bộ cao tốc ở Việt Nam do nhiều nguyên nhân mà chưa được quan tâm đầy đủ. Vấn đề tiếng ồn trong giai đoạn vận hành các tuyến đường bộ cao tốc cần được quan tâm đúng với tầm vóc và sự ảnh hưởng lâu dài của nó, cụ thể:
- Ở giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, khi chủ dự án thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cần làm rõ chi tiết, cụ thể mức ồn và đánh giá sự lan truyền của tiếng ồn trên dọc tuyến, đặc biệt là ở các khu vực nhạy cảm (dân cư, trường học, y tế…). Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM và các cơ quan quản lý cần lưu ý và cụ thể hơn vấn đề này.
- Chủ dự án tiếp thu đầy đủ nội dung về biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đã được nêu trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM vào nội dung phê duyệt dự án đầu tư và thiết kế cơ sở. Trong bước thiết kế kỹ thuật thi công sẽ chi tiết, cụ thể hóa hạng mục này.
- Đối với cơ quan quản lý chuyên ngành cần nghiên cứu xây dựng và ban hành sớm tiêu chuẩn thiết kế hạng mục tường chống ồn cho đường bộ cao tốc. Hiện tại, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay là Cục Đường bộ Việt Nam) đã ban hành TCCS số 45:2022/TCĐBVN - Tiêu chuẩn cơ sở tường chống ồn đường ô tô - Yêu cầu thiết kế.
Theo Tạp chí GTVT