Một thiết kế cầu vượt di động dạng module mới cho phép các phương tiện chạy ngay bên trên đoạn đường cao tốc cần sửa chữa thay vì phải đi đường vòng.
Công nhân lắp đặt cầu vượt di động ASTRA.
Video: Cơ quan đường bộ liên bang Thụy Sĩ
Mang tên cầu ASTRA, thiết kế hướng tới giúp lái xe đi lại dễ dàng hơn và công nhân cầu đường làm việc an toàn hơn. Công trình được tạo ra bởi Cơ quan đường bộ liên bang của Thụy Sĩ, New Atlas hôm 24/5 đưa tin. Phiên bản ban đầu của cầu ASTRA được thử nghiệm trên đoạn đường cao tốc A1 của Thụy Sĩ năm 2022, tiếp theo là thử nghiệm phiên bản cải tiến mới. Phiên bản thứ hai được lắp đặt trên A1 trong tháng 4/2025 và sẽ duy trì đến tháng 8.
Không lâu sau khi lên lịch làm đường, bên bị ảnh hưởng của đường cao tốc bị chặn vào cuối tuần. Ban đêm xe tải chở những đoạn khác nhau của ASTRA tới nơi, và công nhân lắp ráp chúng để tạo thành cầu vượt chạy dọc chiều dài khu vực sửa đường. Dốc lên xuống ở hai đầu cầu vượt cho phép phương tiện chạy qua đoạn đường. Tuần tiếp theo, ASTRA mở cửa để lái xe sử dụng. Dù phải giảm tốc độ xuống 60 km/h khi đi qua cầu vượt, họ không cần chen chúc trong một làn, hay dừng lại và chờ tới lượt chạy qua.
Cùng lúc, công nhân làm đường bắt tay vào phá dỡ và thay thế mặt đường ở bên dưới cầu vượt. Họ không cần lo lắng sẽ bị xe cộ chạy qua đâm trúng, đồng thời có thể tránh nắng mưa. Ngoài ra, do công tác tu sửa không cản trở dòng xe lưu thông đông đúc vào ban ngày, họ có thể làm việc trong ngày thay vì phải làm ca đêm.
Do không có đủ khoảng trống bên dưới cầu vượt để những phương tiện xây dựng cao như xe trộn xi măng hoạt động, công nhân sử dụng làn vận chuyển chạy dọc theo công trình. Tùy theo hoàn cảnh, làn đó có thể là làn chạy xe có sẵn trên đường. Sau khi hoàn tất quá trình tu sửa ở đoạn đường cao tốc ban đầu, toàn bộ cầu vượt được nâng lên 10 cm bằng thủy lực, sau đó tháo khỏi đường cao tốc trên bánh xe gắn động cơ để chuyển sang đoạn đường tiếp theo. Quá trình có thể lặp lại nhiều lần cho tới khi hoàn thành cả dự án.
Ở dạng hiện nay, cầu ASTRA dài 257 m, rộng 7,57 m và cao 4,65 m. Khu vực làm việc bên dưới cầu dài 100 m, rộng 5,1 m và cao 3,1 m. Quá trình lắp đặt và tháo dỡ đòi hỏi 16 xe rơmoóc gầm thấp chạy tổng cộng 45 chuyến để vận chuyển tất cả bộ phận kết cấu ra vào công trường. Ngoài ra, quá trình cũng cần dùng 3 cần cẩu cùng với hai đội lắp ráp 14 người.
Theo New Atlas, Vnexpress