Mô hình "Bến đò an toàn" ở Quảng Nam

Thứ năm, 10/04/2014 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Nhiều mô hình “Bến đò an toàn” do Đoàn TNCS các cấp ở Quảng Nam đảm nhận thực hiện đã thật sự là điểm sáng, góp phần tích cực vào công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường thủy trên địa bàn tỉnh.

Nhiều mô hình “Bến đò an toàn” do Đoàn TNCS các cấp ở Quảng Nam đảm nhận thực hiện đã thật sự là điểm sáng, góp phần tích cực vào công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường thủy trên địa bàn tỉnh.

Mô hình “Bến đò an toàn” do thanh niên tự quản đầu tiên được áp dụng ở Quảng Nam là bến đò Hiệp Hòa (H. Hiệp Đức) do Huyện đoàn Hiệp Đức quản lý. Đò là phương tiện duy nhất của 270 hộ dân thôn Đồng Làng qua xã Trà Linh về trung tâm huyện, mỗi ngày bến đò này đưa khoảng 400 lượt học sinh và người dân qua sông. Trước đây, tình hình TTATGT đường thủy tại đây diễn biến khá phức tạp, các phương tiện tham gia giao thông thường xuyên vi phạm các lỗi như chở hàng hóa vượt quá mức nước an toàn, chở khách vượt quá số người quy định. Trước trăn trở đó, Huyện đoàn Hiệp Đức thực hiện công trình thanh niên “Bến đò an toàn”.

Cần nhân rộng mô hình “Bến đò an toàn” để đảm bảo ATGT đường thủy.

Ảnh: Quang Quỳnh

Bên cạnh tuyên truyền, Huyện đoàn thành lập đội thanh niên tự quản tại bến thường xuyên nhắc nhở người dân và lái đò chấp hành ATGT, trang bị áo phao và phao tròn trên đò. Nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy định mặc áo phao khi qua sông được giao cho Đoàn xã Hiệp Hòa. Thanh niên tình nguyện cũng như người lái đò là ông Hai Nga, trú thôn Đồng Làng cũng thường xuyên được tập huấn, trang bị kiến thức về Luật giao thông đường thủy, kỹ thuật điều khiển xuồng, ghe gắn động cơ, phương pháp ứng cứu người đuối nước...

Đội thanh niên tự quản thay phiên túc trực tại bến đò, nhất là vào mùa mưa bão để thường xuyên kiểm tra phao và áo phao, thay phiên trực tại bến đò, đảm bảo mỗi chuyến đò chỉ được chở từ 10 - 15 người và tối đa 3 chiếc xe máy. Ngoài ra, theo Bí thư Huyện đoàn Hiệp Đức Huỳnh Hữu Cường, Huyện đoàn đã hỗ trợ đóng mới đò nhôm với kinh phí 80 triệu đồng (UBND huyện hỗ trợ 30 triệu đồng và tổ chức Tầm nhìn Thế giới tài trợ 50 triệu) để thay đò gỗ đã xuống cấp.

Trao áo phao cho thanh niên tự quản tại bến đò Trung Phước (Nông Sơn).
Ảnh: Quang Quỳnh

Bến đò ngang an toàn Trung Phước tại xã Quế Trung (H. Nông Sơn) được thành lập cách đây 3 tháng đã giúp cho người dân an tâm khi qua lại. Ông Nguyễn Cán (72 tuổi), người dân thường qua lại bến đò này nhận xét, ngoài sắp xếp trật tự, tuyên truyền, phổ biến các qui định về TTATGT đường thủy, đội thanh niên tự quản tại bến đò còn hướng dẫn người già, tàn tật lên xuống đò an toàn, hướng dẫn người dân mặc áo phao hay dùng dụng cụ nổi khi qua đò đúng quy định... đã thực sự tác động đến nhận thức của người dân.

Đò ngang an toàn Trung Phước được xây dựng gồm các hạng mục như: đường dẫn xuống bến, sàn gỗ kê đi qua đò, bảng panô tuyên truyền về việc chấp hành các quy định luật đường thủy nội địa và mỗi đò được cấp thêm 12 áo phao, phao cứu sinh để đề phòng tai nạn xảy ra. Ngoài ra, Hội LHTN Việt Nam xã Quế Trung đã tổ chức thành lập đội thanh niên tình nguyện đảm bảo an toàn trên bến “đò ngang an toàn”. Mỗi đội có 12 thành viên thay phiên nhau trực tại các bến đò.

Có thể thấy, từ việc gắn trách nhiệm của địa phương ở cơ sở cùng với sự giám sát chặt chẽ của lực lượng đoàn viên, thanh niên tại địa phương đã góp phần giữ vững bình yên trên mỗi bến đò ngang. Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Nam Phan Văn Bình: “Qua khảo sát, toàn tỉnh có hơn 60 bến thủy nội địa trong đó có hàng chục bến không phép, không đảm bảo an toàn nhưng vì nhu cầu lưu thông của người dân nên vẫn hoạt động. Một trong những khó khăn hiện nay là người dân tham gia đi đò còn chủ quan, lơ là trong việc sử dụng các phương tiện cứu hộ".

"Để hành khách thực hiện quy định mặc áo phao khi qua đò, cần phải tuyên truyền rộng rãi mối nguy hiểm của việc không tuân thủ các quy định an toàn khi tham gia lưu thông qua các bến đò. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Giao thông đường thủy nội địa cho thanh thiếu nhi và người dân. Đồng thời vận động các nguồn lực để trang bị áo phao, phao cứu sinh cho các bến đò, xây dựng “Bến đò an toàn kiểu mẫu”, đặc biệt là ở địa bàn các huyện miền núi", anh Phan Văn Bình nhấn mạnh.

Nguồn: Báo CAND

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)