Quảng Nam: Giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông cần tuyên truyền mạnh, xử phạt nghiêm

Thứ hai, 15/07/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hôm nay 15/7, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Hội nghị sẽ đề ra nhiều giải pháp nhằm triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nữa công tác này những tháng cuối năm.
Hôm nay 15/7, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Hội nghị sẽ đề ra nhiều giải pháp nhằm triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nữa công tác này những tháng cuối năm.

Tuyên truyền chưa hiệu quả

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, 6 tháng đầu năm trên địa bàn Quảng Nam đã xảy ra 122 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 102 người và bị thương 102 người. So với cùng kỳ năm 2012, TNGT giảm 11 vụ (giảm 8,27%), giảm 12 người chết (giảm 10,53%) và giảm 4 người bị thương (giảm 3,77%). Nguyên nhân TNGT chủ yếu do lỗi người tham gia giao thông gây ra. Nhìn chung, tình hình TTATGT 6 tháng qua cơ bản được đảm bảo, có nhiều chuyển biến tích cực với số vụ, số người chết và bị thương đều giảm trên cả ba tiêu chí so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Cận - Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh, TNGT tuy giảm song chưa thực sự vững chắc, mục tiêu đặt ra giảm 10% cho mỗi tiêu chí không đạt. Phương tiện cơ giới đường bộ tăng nhanh khiến nguy cơ về TNGT dễ xảy ra, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chưa phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về TTATGT chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đến được với mọi người dân, nhất là đối với thanh niên, người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, tình trạng người tham gia giao thông vi phạm tốc độ, quy trình thao tác lái xe, tránh vượt sai quy định, đi không đúng làn đường, phần đường còn khá phổ biến. Đáng báo động hơn là việc người điều khiển phương tiện lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông bằng mô tô hoặc xe gắn máy có chiều hướng gia tăng.

Có thể khẳng định, công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về TTATGT thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế. Ở một số cơ quan, ban ngành, hội đoàn thể và địa phương thực hiện chưa thường xuyên, liên tục. Có không ít đơn vị làm nhiều đợt tuyên truyền nhưng hiệu quả chưa cao bởi cách thức và nội dung triển khai đơn điệu, hình thức. Người dân còn phản ánh, một số cán bộ công chức khi về sinh hoạt tại khu dân cư không gương mẫu chấp hành pháp luật TTATGT như điều khiển xe máy không đội MBH. Đây là nguyên nhân gây phản tác dụng tuyên truyền.

Xử phạt phải nghiêm minh

Mặc dù công tác thanh tra, tuần tra kiểm soát đã được quan tâm tăng cường về cơ bản nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Theo ông Trương Khuê - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, để kiểm soát, phát hiện xử lý nghiêm đối với ô tô khách, ô tô tải vi phạm về tốc độ; chở quá tải trọng cho phép rất cần sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhất là máy bắn tốc độ. Song ở một số địa phương, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) chưa được trang bị thiết bị kỹ thuật hiện đại này khiến cho việc triển khai nhiệm vụ gặp khó khăn. Một cán bộ đội CSGT - trật tự cơ động ở tuyến huyện tâm sự, người điều khiển phương tiện đi đến gần đã phát hiện tổ TTKS liền cho xe giảm tốc độ thì các anh cũng đành “bó tay” bởi không có máy bắn.

Cũng theo ông Trương Khuê, TTKS còn nhằm để xử lý, giáo dục răn đe những người điều khiển phương tiện cơ giới sử dụng rượu, bia quá nồng độ cho phép; không đội MBH hoặc đội mũ không phải là MBH dành cho người đi mô tô, xe gắn máy; ngăn chặn tình trạng học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển mô tô, xe máy đến trường. Nhưng xem ra, việc xử phạt các hành vi vi phạm cũng không đơn giản bởi tình trạng “nhờn luật” ở một số đối tượng, việc gọi điện xin - cho còn xảy ra. Thượng tá Phạm Văn Phụng - Phó Trưởng Công an huyện Đại Lộc tâm sự, điều này khiến cho lực lượng chức năng rất khó xử lý triệt để, chuyện người dân vi phạm các quy tắc giao thông nhiều lần không phải là hiếm. Thượng tá Phụng cho rằng, chỉ có xử phạt nghiêm minh, công bằng đối với tất cả đối tượng phạm luật mới đảm bảo tính răn đe. Đồng thời, cần tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các mức quy định xử phạt về mặt tài chính cao hơn nữa. Bởi hiện nay, Nghị định 34/2010/NĐ-CP và Nghị định 71/2012/NĐ-CP đã điều chỉnh các mức quy định xử phạt cao hơn trước, song không ít đối tượng vẫn xem đó là bình thường.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)