Nam Định: Mở đợt cao điểm xử lý vi phạm về tốc độ các phương tiện cơ giới đường bộ

Thứ sáu, 16/08/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trước tình trạng người điều khiển các phương tiện cơ giới vi phạm tốc độ đã và đang diễn ra khá phổ biến và là nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng, Ban ATGT tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 1929/KH-BATGT tổ chức chiến dịch tuyên truyền và mở đợt cao điểm xử lý vi phạm về tốc độ đối với doanh nghiệp vận tải và người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ từ ngày 1/7/2013.
Trước tình trạng người điều khiển các phương tiện cơ giới vi phạm tốc độ đã và đang diễn ra khá phổ biến và là nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng, Ban ATGT tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 1929/KH-BATGT tổ chức chiến dịch tuyên truyền và mở đợt cao điểm xử lý vi phạm về tốc độ đối với doanh nghiệp vận tải và người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ từ ngày 1/7/2013.

Mục tiêu của chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ quy định tốc độ đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; giảm TNGT đường bộ có nguyên nhân từ vi phạm tốc độ, nhất là tai nạn đặc biệt nghiêm trọng; rà soát, điều chỉnh, bổ sung biển báo hiệu tốc độ hợp lý, tạo điều kiện tốt nhất để người lái xe nhận biết, chấp hành quy định về tốc độ trên các tuyến đường khi tham gia giao thông; tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm tốc độ.

Để đợt cao điểm xử lý vi phạm về tốc độ đạt hiệu quả cao nhất, Phòng VH-TT các huyện, thành phố, đài phát thanh và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp, HTX vận tải, đội ngũ lái xe và hành khách nắm rõ chủ trương và lộ trình thực hiện đợt cao điểm. Sở GTVT chỉ đạo Phòng Quản lý giao thông chủ trì phối hợp với Thanh tra giao thông (TTGT), CSGT, Cty CP Quản lý và xây dựng cầu đường Nam Định, Phòng Công thương các huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố rà soát, bổ sung đầy đủ, điều chỉnh hợp lý hệ thống báo hiệu đường bộ, sơn gờ giảm tốc, sơn kẻ vạch trên đường không ưu tiên theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN 41:2012/BGTVT).

Sở GTVT cũng đã chỉ đạo Phòng Công thương các huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố tổ chức duy tu, bảo dưỡng đường bộ; rà soát, bổ sung đầy đủ, điều chỉnh hợp lý hệ thống biển báo tốc độ; làm gờ giảm tốc từ đường phụ ra đường chính, khắc phục kịp thời các "điểm đen" trên các tuyến đường được giao quản lý; yêu cầu các doanh nghiệp vận tải đường bộ ký cam kết thực hiện kế hoạch. Từ ngày 1 đến ngày 31-7-2013, lực lượng TTGT đã ra quân kiểm tra việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện vận tải.

Theo quy định, xe vận tải hành khách, hàng hóa không gắn thiết bị giám sát hành trình hoặc có lắp đặt thiết bị nhưng không hoạt động sẽ bị xử phạt từ 2-3 triệu đồng, tước giấy phép kinh doanh vận tải. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe phải đảm bảo tối thiểu các yêu cầu như: Lưu trữ các thông tin hành trình, tốc độ vận hành, số lần và thời gian dừng, đỗ, đóng hoặc mở cửa xe, thời gian lái xe; thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng làm tài liệu trong quản lý hoạt động của đơn vị vận tải và cung cấp cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu. Đây là yếu tố quan trọng nhằm hạn chế việc tài xế phóng nhanh, vượt ẩu, đồng thời thuận lợi hơn trong quản lý hành trình chạy xe, quản lý lái xe, phụ xe khi tham gia vận chuyển hành khách; giúp cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, quản lý các chủ phương tiện trong việc chấp hành pháp luật về giao thông, đặc biệt là việc thực hiện quy định về tốc độ. Đến thời điểm hiện tại, 698 xe khách tuyến cố định, xe buýt trên địa bàn tỉnh trong diện quy định đã hoàn thiện lắp đặt thiết bị. Tuy nhiên trên thực tế, ngoài một số doanh nghiệp vận tải thực hiện nghiêm túc việc lắp và vận hành thiết bị, vẫn còn có trường hợp, nhất là các nhà xe tư nhân lắp đặt thiết bị theo kiểu đối phó và chưa quan tâm đến hiệu quả hoạt động của thiết bị.

Qua kiểm tra 143 xe khách chạy tuyến cố định và xe buýt, lực lượng TTGT đã phát hiện 5 phương tiện vi phạm; trong đó có 4 xe lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng không hoạt động và 1 xe lắp đặt nhưng không đúng quy chuẩn, xử lý phạt tiền 12 triệu 500 nghìn đồng và tước giấy phép lái xe. Từ ngày 16/7 đến ngày 1/8, Sở GTVT thành lập đoàn kiểm tra việc lắp đặt thiết bị hành trình tại 15 doanh nghiệp, HTX vận tải; đã phát hiện 3 xe có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng không hoạt động. Trong đó, có 1 xe của HTX vận tải đường bộ Xuân Trường, thiết bị đã hết tiền thuê bao, không hoạt động, đèn không báo sáng, không trích xuất được dữ liệu từ máy chủ và thiết bị lắp đặt trên xe; 3 xe của HTX vận tải đường bộ Trực Ninh và Cty CP Vận tải Trường Duy (Nam Trực) thiết bị không kết nối điện, không hoạt động. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm đối với lái xe, giám đốc, chủ nhiệm HTX và chuyển hồ sơ về tổ xử lý để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, đoàn kiểm tra cũng đã đề nghị các đơn vị cung cấp thiết bị khắc phục, sửa chữa ngay các thiết bị không có đủ chức năng theo quy định; yêu cầu doanh nghiệp vận tải phải thành lập và duy trì hoạt động bộ phận quản lý, khai thác "hộp đen", qua đó quản lý chặt chẽ, hiệu quả lái xe, nhằm giảm thiểu vi phạm và TNGT do lỗi chủ quan của lái xe. Sở GTVT chỉ đạo lực lượng TTGT trong quá trình kiểm tra, giám sát việc lắp đặt và sử dụng hộp đen, kịp thời phát hiện phương tiện, lái xe có vi phạm (đặc biệt là vi phạm về tốc độ, thời gian lái xe, hành trình). Trường hợp cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần sẽ lập biên bản xử lý, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh đối với đơn vị vận tải; thu hồi, không cấp mới, đổi phù hiệu, sổ nhật trình; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Riêng đối với lỗi vi phạm về tốc độ, đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép khi có 20% số lượt xe vi phạm lỗi về tốc độ.

Hiện nay, lực lượng chức năng các địa phương đang tập trung xây dựng phương án, bố trí lực lượng, phương tiện kỹ thuật thực hiện đợt cao điểm xử lý vi phạm tốc độ. Ban ATGT tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập các tổ kiểm tra liên ngành, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện hiệu quả kế hoạch đã đề ra. Để khuyến khích các chủ doanh nghiệp, đội ngũ lái xe tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm tốc độ an toàn khi điều khiển phương tiện, trong đợt cao điểm này, Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức giải thưởng “Vô lăng vàng” dành cho các lái xe, các doanh nghiệp, HTX vận tải đường bộ trên cả nước dựa trên sự giới thiệu, phản ánh, đề cử của người tham gia giao thông qua điện thoại, email, tin nhắn SMS, website và tổng đài VOV giao thông. Theo tiêu chí bình xét, Ủy ban ATGT quốc gia sẽ trao 30 giải “Vô lăng vàng” cho các lái xe không để xảy ra TNGT, không vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong năm xét thưởng, có nghĩa cử, hành động đặc biệt trong công tác bảo đảm trật tự ATGT và có số km di chuyển an toàn tối thiểu trong 1 năm là 26.400km và trao 30 giải “Vô lăng vàng” cho các doanh nghiệp, HTX vận tải có số lượng ít nhất 20 xe, trong đó 50% lái xe được ký hợp đồng trên 1 năm; trong năm không có xe để xảy ra TNGT nghiêm trọng và 100% số xe của đơn vị lắp đặt, khai thác hiệu quả thiết bị giám sát hành trình.

Ngoài ra, Ủy ban ATGT quốc gia còn thí điểm một số biện pháp tăng cường hướng dẫn giao thông mới như cắm biển hạn chế tốc độ, biển báo hiệu khu đông dân cư ở cả 2 bên đường trên một số tuyến đường bộ để nhắc nhở, hướng dẫn lái xe tuân thủ quy định tốc độ; sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ để khắc phục một số "điểm đen" TNGT trên các quốc lộ tại một số tỉnh, thành phố.

Nguồn: Báo Nam Định

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)