Hậu Giang: Kiềm chế tai nạn giao thông những tháng cuối năm

Thứ ba, 24/09/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Hậu Giang, 8 tháng đầu năm (16/12/2012-4/9/2013), toàn tỉnh xảy ra 97 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 60 người, bị thương 73 người, so với cùng kỳ giảm 5 vụ, giảm 1 người chết và giảm 6 người bị thương. Tuy TNGT giảm cả 3 mặt, nhưng tình hình trật tự ATGT vẫn còn nhiều tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, nhất là khi đã vào năm học mới, phương tiện tham gia giao thông tăng khá đông...
Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Hậu Giang, 8 tháng đầu năm (16/12/2012-4/9/2013), toàn tỉnh xảy ra 97 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 60 người, bị thương 73 người, so với cùng kỳ giảm 5 vụ, giảm 1 người chết và giảm 6 người bị thương. Tuy TNGT giảm cả 3 mặt, nhưng tình hình trật tự ATGT vẫn còn nhiều tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, nhất là khi đã vào năm học mới, phương tiện tham gia giao thông tăng khá đông...
Mừng và lo
Có được kết quả trên là nhờ ngay từ đầu năm, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương thực hiện công tác đảm bảo trật tự ATGT, và các tổ chức, đơn vị trên đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng đến người dân, kết hợp với tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự ATGT. Vì vậy, nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông chuyển biến tích cực. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh, kết quả trên là điều đáng mừng, tuy nhiên mức giảm không cao, thiếu bền vững, nguy cơ tai nạn gia tăng luôn thường trực.
Thật vậy, kết quả kiềm chế, giảm thiểu TNGT trong 8 tháng qua vẫn chưa thực sự bền vững, số người chết, bị thương còn ở mức cao, vẫn còn xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng. Điển hình là vào tháng 6-2013, trên Quốc lộ 1A, đoạn khu vực ấp Xẻo Vông B, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm 1 người chết và 18 người bị thương. Qua thống kê, trong 97 vụ TNGT xảy ra, chỉ có 1 vụ TNGT đường thủy, 96 vụ tai nạn còn lại là đường bộ. Địa phương xảy ra tai nạn nhiều là huyện Phụng Hiệp 23 vụ, huyện Châu Thành A 16 vụ, thành phố Vị Thanh 14 vụ… Và một điều hết sức lo ngại là hiện nay, TNGT không chỉ xảy ra trên tuyến quốc lộ, mà còn ở các tỉnh lộ, lộ nông thôn và trong nội ô các đô thị.
Theo các ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT thời gian qua chủ yếu là do ý thức của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông đường bộ còn hạn chế. Điều này thể hiện trong các vụ tai nạn những tháng đầu năm có nguyên nhân chủ yếu là do vượt quá tốc độ, đi sai phần đường, không quan sát kỹ…
Tiếp tục siết chặt
Phải khẳng định rằng, thời gian qua, các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan chức năng đã có sự vào cuộc khá quyết liệt, đồng bộ trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, nhưng xem ra nguy cơ TNGT vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Làm gì để đối phó với thực trạng này là vấn đề rất được các cấp, các ngành chức năng quan tâm. Theo ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, những vụ TNGT thời gian qua hầu hết là do ý thức người tham gia giao thông và phương tiện gây tai nạn chủ yếu là xe gắn máy (chiếm khoảng 75-80%). Ông Thành cũng lo lắng, trong chương trình giảng dạy đối với việc sát hạch cấp giấy phép chưa đề cập đến vấn đề đạo đức của người lái xe.
Còn thượng tá Võ Chí Thanh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an tỉnh, cho biết, hiện nay công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe đối với những người bị tước giấy phép trên 60 ngày trở lên vẫn còn nhiều hạn chế. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh tổ chức cho 443 người vi phạm Luật Giao thông đường bộ học lại, qua kiểm tra, có 123 người không đạt. Đối tượng không đạt phần lớn là người điều khiển xe môtô, xe gắn máy. Qua đó cho thấy, chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đặc biệt đối với xe môtô, xe gắn máy chưa cao.
Theo ngành chức năng, thời gian tới, cần phải chú trọng đến chất lượng việc xây dựng quy trình đào tạo lái xe và cấp phép lưu hành cho các phương tiện giao thông. Các phương tiện không đủ điều kiện an toàn cần phải từ chối cấp phép; không cấp giấy phép cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Công tác quản lý, giám sát và điều hành giao thông cần quyết liệt, xuyên suốt bằng những hành động cụ thể, tránh hô hào mang tính khẩu hiệu. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh, những tháng cuối năm, cả hệ thống chính trị phải quyết liệt vào cuộc thực hiện nhiều mặt công tác để kiềm chế và kéo giảm TNGT.
Theo đó, từ đây đến cuối năm, các ngành, các cấp cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ, thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, mạnh tay xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trật tự ATGT. Quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải hành khách trên các tuyến; kiên quyết xử lý triệt để các “điểm đen” và các điểm phức tạp về ATGT…
Nguồn: Báo Hậu Giang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)