Mô hình Tổ tự quản TTATGT ở Hà Nam

Thứ ba, 23/04/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thực hiện phong trào "Toàn dân tích cực tham gia giữ gìn TTATGT", nhiều năm qua, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Nam phối hợp cấp ủy, chính quyền cùng các cơ quan chức năng thành lập được 71 mô hình tổ tự quản trật tự an toàn giao thông (TTATGT) với tổng số 426 thành viên tham gia. Bằng những hoạt động tích cực của các thành viên tổ tự quản đã góp phần giảm số vụ vi phạm về TTATGT tại cơ sở.
Thực hiện phong trào "Toàn dân tích cực tham gia giữ gìn TTATGT", nhiều năm qua, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Nam phối hợp cấp ủy, chính quyền cùng các cơ quan chức năng thành lập được 71 mô hình tổ tự quản trật tự an toàn giao thông (TTATGT) với tổng số 426 thành viên tham gia. Bằng những hoạt động tích cực của các thành viên tổ tự quản đã góp phần giảm số vụ vi phạm về TTATGT tại cơ sở.

Về xã Thanh Phong (huyện Thanh Liêm, Hà Nam), chúng tôi được nghe nhiều lời khen về những việc làm của tổ tự quản TTATGT mang tên Phố Bói. Phố Bói nằm cạnh quốc lộ 21 A với chiều dài hơn 1 km, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng tấm lòng của những người dân nơi đây với những hành khách qua đường thì thật đáng trân trọng. Ở tổ tự quản TTATGT này, những cái tên và cả số điện thoại của các thành viên trong tổ như Ðinh Công Chính, Ðỗ Quốc Gia, Ngô Thị Lụa,... đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Bởi hơn 20 năm qua, đã có hàng trăm người qua đường không may bị tai nạn giao thông trên địa bàn Phố Bói được các thành viên trong tổ tự quản sẵn sàng, tình nguyện cứu giúp, bất kể trong đêm khuya thanh vắng hay trong cơn mưa bão. Ðã trở thành phản xạ, khi nghe thấy tiếng phanh gấp, tiếng va chạm mạnh của phương tiện ngoài đường là các thành viên trong tổ lập tức có mặt tại hiện trường và mỗi người một việc, với các thao tác rất thuần thục: người lo sơ cứu, cấp cứu, người bảo vệ hiện trường, xe, tài sản, hàng hóa, kiểm tra giấy tờ tùy thân để liên lạc với người nhà nạn nhân, người hướng dẫn, phân luồng giao thông để không gây ùn tắc, người thông báo cho lực lượng cảnh sát giao thông tới xử lý. Còn những vụ va quệt nhẹ được các thành viên trong tổ đứng ra hòa giải ổn thỏa, có lý, có tình. Tất cả mọi tài sản đều được trả lại cho người bị nạn. Khi chúng tôi hỏi về những công việc của tổ tự quản, các thành viên đều rất khiêm tốn, không muốn nói nhiều về những thành tích của mình. Họ chỉ mong mỏi một điều, các thành viên trong tổ sẽ bị "thất nghiệp" trong tương lai không xa.

Mô hình tổ tự quản TTATGT trên địa bàn tỉnh Hà Nam được Ban ATGT tỉnh triển khai từ năm 2006, bước đầu có 28 tổ xây dựng điểm và nhanh chóng phát triển lên 42 tổ vào năm 2007. Ðến nay, toàn tỉnh đã có 71 tổ tự quản TTATGT tại sáu huyện, thành phố. Thành viên tham gia tổ tự quản đều là thành viên Ban công tác mặt trận, trưởng thôn, xóm, công an viên, những người có đủ nhiệt tình và trách nhiệm. Các tổ tự quản đều xây dựng được quy chế hoạt động trên cơ sở quy chế chung của tỉnh.

Nguồn kinh phí được hỗ trợ từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, đến nay tất cả các tổ tự quản ở Hà Nam đã được trang bị các vật dụng cần thiết phục vụ công việc như: băng đỏ đeo tay, gậy chỉ dẫn giao thông, mũ cứng, còi, sổ ghi chép, túi cứu thương, loa cầm tay. Mặc dù công việc các thành viên tham gia tổ tự quản hoàn toàn mang tính tự nguyện, trách nhiệm với mọi người chung quanh, không có bất kỳ khoản thù lao nào, nhưng các tổ vẫn duy trì định kỳ hằng tháng giao ban một lần, phân công các thành viên trong tổ trực mỗi ngày 3-5 giờ. Phát huy chức năng, nhiệm vụ và quy chế hoạt động của mình, các thành viên trong tổ tự quản ở Hà Nam đã phối hợp thường xuyên với cơ quan chức năng giải quyết ngay những vụ va chạm giao thông nhỏ xảy ra thuộc địa bàn dân cư. Các thành viên trong tổ tự quản cũng kịp thời sơ cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường và cung cấp những thông tin cần thiết về quá trình xảy ra tai nạn để cơ quan chức năng kịp thời giải quyết. Ðồng thời, tham gia cùng các ngành chức năng vận động những hộ dân ven đường giải tỏa mặt bằng, lều quán, tháo dỡ biển quảng cáo, đổ vật liệu xây dựng sai quy định, góp phần giữ cho đường thông, hè thoáng.

Tiêu biểu trong phong trào giữ gìn TTATGT ở Hà Nam, có thể kể đến các tổ tự quản trật tự ATGT ở phố Nguyễn Hữu Tiến (thị trấn Ðồng Văn, Duy Tiên), tổ tự quản phường Lê Hồng Phong (phường Quang Trung, TP Phủ Lý), tổ 1 xã Thanh Hương (huyện Thanh Liêm), Tiểu khu Bình Mỹ (thị trấn Bình Lục),... Hoạt động trên cơ sở quy chế chung của tỉnh, song mỗi tổ tự quản lại có cách vận dụng sáng tạo để phù hợp điều kiện thực tế của cơ sở, mang lại hiệu quả thiết thực. Các tổ tự quản TTATGT huyện Thanh Liêm đã tuyên truyền tới hơn 1.000 hộ dân sinh sống dọc quốc lộ 1, 21A, các hộ ven sông Ðáy ký cam kết bảo đảm TTATGT; tổ chức hàng chục đợt phối hợp ra quân giải tỏa hành lang ATGT, tuyên truyền, nhắc nhở các hộ vi phạm về treo biển quảng cáo ven đường. Ðồng thời, tổ chức sơ cứu kịp thời các trường hợp tai nạn giao thông, không để xảy ra mất mát tài sản của người bị nạn, giúp các cơ quan giải quyết các vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn.

Tại huyện Kim Bảng, các tổ tự quản đã trực tiếp tham gia giải tỏa 165 trường hợp làm nhà, hàng quán có mái che, vẩy; thu giữ 189 biển quảng cáo các loại, thu dọn 385 m3 vật liệu xây dựng, chặt 486 cây che khuất tầm nhìn. Các tổ tự quản TTATGT huyện Bình Lục đã phối hợp tổ chức được 920 đợt tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành Luật Giao thông đường bộ bằng các hình thức tuyên truyền đa dạng như dựng tiểu phẩm hài, lồng ghép tuyên truyền trong các kỳ họp tại xã, thị trấn, khu dân cư, thông báo trên hệ thống loa truyền thanh. Trong năm 2012, các tổ tự quản trong huyện đã tham gia sơ cứu 36 trường hợp, hòa giải hàng trăm vụ va quệt, bảo đảm không bị ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Với đặc thù của địa bàn là nơi có nhiều tuyến quốc lộ chạy qua, nên các thành viên của tổ tự quản TP Phủ Lý có phần vất vả hơn. Riêng năm 2012, thành viên các tổ tự quản đã tham gia sơ cứu 86 người bị tai nạn giao thông; phối hợp cùng các ngành giải quyết 85 vụ vi phạm hành lang ATGT, cung cấp và bảo vệ hiện trường 16 vụ tai nạn, giúp các ngành chức năng giải quyết tốt việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Ðặc biệt, các tổ tự quản TTATGT huyện Lý Nhân đã thực hiện ghi sổ một cách cụ thể, chi tiết số vụ xảy ra, người bị tai nạn và báo cơ quan chức năng giải quyết kịp thời các vụ việc.

Tổ tự quản ở Hà Nam là mô hình giữ gìn TTATGT tốt, cần được phát huy và nhân rộng trên địa bàn tỉnh cũng như một số địa phương khác trong cả nước. Ðể tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động của tổ tự quản TTATGT trên địa bàn, Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Nam cùng lãnh đạo Công an tỉnh, Ban ATGT tỉnh phối hợp chặt chẽ trong công tác tập huấn cho các thành viên tổ tự quản tại các địa phương, cung cấp tài liệu, trang bị những kỹ năng tuyên truyền về bảo đảm trật tự "Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông". Hiệu quả hoạt động của các tổ tự quản TTATGT ở Hà Nam đã trở thành nét đẹp trong cộng đồng dân cư.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)