Điện Biên: Cần quan tâm đến ATGT đường thủy

Thứ năm, 23/05/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Là tỉnh vùng cao, địa hình chủ yếu là đồi núi nên khái niệm giao thông đường thủy với người Điện Biên tuy không xa lạ nhưng ít được quan tâm. Thời điểm trước năm 2010 cả tỉnh chỉ có vài chục thuyền độc mộc của một số hộ gia đình người dân tộc thiểu số sinh sống ven sông Đà tự đóng để đi lại ngang các nhánh sông.
Là tỉnh vùng cao, địa hình chủ yếu là đồi núi nên khái niệm giao thông đường thủy với người Điện Biên tuy không xa lạ nhưng ít được quan tâm. Thời điểm trước năm 2010 cả tỉnh chỉ có vài chục thuyền độc mộc của một số hộ gia đình người dân tộc thiểu số sinh sống ven sông Đà tự đóng để đi lại ngang các nhánh sông.

Hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách bằng phương tiện vận tải thủy nội địa hầu như chưa có gì. Nhưng, từ khi hồ Thuỷ điện Sơn La tích nước (giữa năm 2010) thì vấn đề giao thông thuỷ nội địa ở Điện Biên đã bắt đầu thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhiều cấp và nhiều ngành.

Trên địa bàn các huyện: Tủa Chùa, Mường Chà và TX. Mường Lay, nước dâng là điều kiện thuận lợi để người dân sinh sống ở các khu vực ven sông có điều kiện phát triển nghề khai thác thuỷ sản, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nghề của các địa phương. Nhu cầu đi lại bằng đường thuỷ của người dân ở những địa bàn này cũng tăng hơn. Thực tiễn, trên tuyến sông từ TX. Mường Lay đi các huyện của tỉnh Sơn La bằng phương tiện thuỷ còn nhanh hơn đường bộ nhiều nên không chỉ người dân mà nhiều khách du lịch cũng thích “du thuyền” trên sông để thoả sức ngắm cảnh núi đồi sông nước. ở huyện vùng cao Tủa Chùa, số người tham gia khai thác, đánh bắt thuỷ sản trên sông cũng tăng hơn; nhiều người còn mạnh dạn chuyển đổi hẳn sang nghề khai thác dịch vụ đường thuỷ.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, thì công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy đã và đang có nhiều khó khăn nhất định. Toàn tỉnh hiện có 176 phương tiện vận tải thuỷ nội địa, trọng tải dưới 5 tấn (chủ yếu là thuyền, xuồng tự chế) nhưng hầu hết người lái thuyền (thường là chủ thuyền) đều không được đào tạo kiến thức an toàn giao thông thuỷ nội địa; không có bằng lái và chứng chỉ hành nghề. Kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải thuỷ nội địa như: bến cảng, cầu cảng, hệ thống phao tiêu biển báo chưa có; luồng lạch chưa được quy hoạch, chủ yếu hoạt động tự phát, sơ sài... Do đó, giao thông đường thủy luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất khó lường.

Cũng theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, cho biết, trên tuyến đường thủy từ TX. Mường Lay đi Tủa Chùa chỉ có gần 100km đường sông vẫn chưa được phân định luồng lạch, phao tiêu, biển báo hiệu nhưng hàng ngày vẫn có hàng trăm phương tiện qua lại và hàng chục bến đò hoạt động tự phát. Người lái thuyền và người đi thuyền nhận thức các quy định đảm bảo an toàn giao thông đường thủy rất hạn chế; nhiều người còn chủ quan không trang bị dụng cụ, như: phao cứu sinh, cứu đắm vì cho là mình biết bơi thì không thể bị đắm thuyền… Những điều đó khiến cho nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nhiều hơn và mức độ thiệt hại cũng nặng nề hơn.

Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, công tác tăng cường tuần tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định của pháp luật đối với người và phương tiện hoạt động vận tải thủy nội địa trên địa bàn tỉnh của cơ quan chức năng là vô cùng cần thiết. Bởi qua kiểm tra mới phát hiện người nào vi phạm, mức độ vi phạm ra sao để từ đó có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa và các quy định về bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông thủy nội địa, đến toàn thể nhân dân cũng cần được quan tâm nhiều hơn, thường xuyên hơn để mỗi người dân đều biết cách bảo vệ tính mạng khi tham gia giao thông đường thủy.

Nguồn: Báo Điện Biên phủ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)