Nam Định: Sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”

Thứ ba, 28/05/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Vừa qua, UBND tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh chủ trì hội nghị.
Vừa qua, UBND tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có Thiếu tướng Đặng Văn Sinh, Ủy viên Ban TVTU, Giám đốc Công an tỉnh; Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy (Bộ Công an), Phó Ban chỉ đạo cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” Trung ương; các đồng chí lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; thành viên Ban ATGT tỉnh; thành viên Ban chỉ đạo cuộc vận động tỉnh; đại diện các ban, ngành, đoàn thể và trưởng ban ATGT các huyện, thành phố.

Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” trên địa bàn tỉnh được phát động vào ngày 6/10/2011 nhằm đẩy mạnh thực hiện các biện pháp đồng bộ, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh, Ban chỉ đạo cuộc vận động tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông, các ban, ngành, đoàn thể tập trung tuyên truyền về ý nghĩa cuộc vận động gắn với việc huy động quần chúng nhân dân xây dựng và duy trì các mô hình điểm. Qua 3 năm triển khai, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng thành công 3 mô hình điểm thực hiện hiệu quả các tiêu chí của cuộc vận động gồm: mô hình “Bến phà văn hóa - an toàn” tại bến phà Sa Cao - Thái Hạc, xã Xuân Châu; mô hình “Bến đò văn hóa - an toàn” tại bến đò Sòng, xã Xuân Hồng (Xuân Trường); mô hình “Đoạn, tuyến sông văn hóa - an toàn” tại kênh Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng). Từ mô hình điểm, các địa phương có tuyến sông, kênh chủ động nghiên cứu rút kinh nghiệm và áp dụng, nhân rộng mô hình. Sau 3 năm thực hiện mô hình đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông đường thuỷ, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy góp phần bảo đảm giao thông thông suốt, không xảy ra tai nạn. Với các thành tích đạt được, UBND tỉnh đã trao tặng Bằng khen cho 3 tập thể và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc. Thời gian tới, Ban chỉ đạo thực hiện cuộc vận động tiếp tục áp dụng các biện pháp đồng bộ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội thực hiện trong công tác đảm bảo ATGT đường thuỷ nội địa. Tại hội nghị, Ban ATGT thành phố đã báo cáo kế hoạch xây dựng mô hình “Đoạn sông Đào Thành phố Nam Định văn hóa - an toàn” và tổ chức ký kết tham gia xây dựng mô hình giữa các xã, phường có tuyến sông Đào chảy qua.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh khẳng định: chủ trương của tỉnh trong thực hiện các biện pháp bảo đảm ATGT hướng đến mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân chứ không vì mục tiêu tăng số vụ và số tiền xử phạt. Song trong điều kiện một bộ phận người dân chưa chấp hành tốt các quy định pháp luật về ATGT, các ngành chức năng cần tăng cường xử lý và áp dụng mức phạt cao nhất, nhằm tăng tính răn đe. Các cấp lãnh đạo và đội ngũ cán bộ nghiêm túc, gương mẫu chấp hành các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường thủy. Các ngành chức năng cần tăng cường phối hợp trong đào tạo, kiểm tra, kiểm soát các chủ phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa đường thủy bảo đảm các tiêu chí an toàn. Các cấp chính quyền, các ngành chức năng tập trung chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng cán bộ cấp xã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý hoạt động các bến đò ngang trên địa bàn; tiếp tục tham mưu để UBND tỉnh ban hành các cơ chế quản lý, bảo đảm trật tự ATGT đường thuỷ trên địa bàn tỉnh; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định pháp luật về ATGT đường thủy, nâng cao nhận thức cho người dân. Trong đó, chú trọng tuyên truyền nhóm đối tượng là chủ phương tiện vận tải đường thủy và những người trực tiếp tham gia giao thông đường thủy.

Nguồn: Báo Nam Định

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)