Gia Lai: Góp phần kiềm chế tai nạn giao thông

Thứ tư, 05/06/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngành chức năng đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm Luật Giao thông Đường bộ ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh Gia Lai vẫn thường xuyên diễn ra, cướp đi sinh mạng của nhiều người, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Ngành chức năng đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm Luật Giao thông Đường bộ ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh Gia Lai vẫn thường xuyên diễn ra, cướp đi sinh mạng của nhiều người, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Tại huyện Kbang, tai nạn ở các xã vùng sâu, vùng xa hết sức phức tạp, tình hình vi phạm Luật Giao thông Đường bộ xảy ra thường xuyên. Nguyên nhân là do ý thức của bà con còn nhiều mặt hạn chế, sử dụng rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu dẫn đến tai nạn. Thực tế thì một khi đã xảy ra tai nạn liên quan đến người ở vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số thì hậu quả rất nghiêm trọng.

Theo số liệu tổng hợp thì trong năm 2012, trên địa bàn huyện có 8 vụ tai nạn giao thông thì đã có 3 vụ xảy ra ở các tuyến đường liên xã, liên làng. Trong đó nhiều vụ nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, làm 4 người chết và bị thương 2 người, chiếm gần một nửa số người chết và bị thương trong toàn huyện.

Chúng tôi đã có một chuyến tuần tra cùng với lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an huyện Kbang tại một số xã vùng sâu, vùng xa và thấy rằng chỉ khi có bóng dáng của lực lượng Cảnh sát Giao thông thì người dân mới chấp hành những quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. Khoảng 4 giờ chiều 21-5, tại xã Sơn Lang, khi thấy có lực lượng Cảnh sát Giao thông cùng Công an xã tuần tra trên trục đường chính, hầu như rất ít người dân điều khiển xe máy ra đường và nếu có thì chấp hành rất nghiêm việc đội mũ bảo hiểm.

Tuy nhiên, tại các tuyến đường nội làng thì lại có rất nhiều trường hợp đi xe máy chưa đủ tuổi, lại không hề đội mũ bảo hiểm, thậm chí có mũ bảo hiểm nhưng chỉ treo trên xe. Khi lực lượng chức năng dừng xe một số trường hợp không đội mũ bảo hiểm để kiểm tra và xử lý thì hầu hết đều đưa ra “1.001” lý do như nhau đó là đi một đoạn ngắn, nhà gần đây, quên mũ ở nhà hay mới bị lấy mất… Tiếp tục tuần tra dọc theo tuyến đường liên xã từ Sơn Lang đi Đak Rong, chúng tôi cũng bắt gặp không ít trường hợp điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm.

Do bất ngờ gặp lực lượng chức năng nên các trường hợp này đều tỏ ra lúng túng và đương nhiên là cũng đưa ra nhiều lý do để biện bạch cho việc không chấp hành quy định pháp luật trên lĩnh vực giao thông đường bộ.

Có mặt tại trung tâm xã Đak Rong vào một buổi chiều, chúng tôi ghi nhận khi có lực lượng Cảnh sát Giao thông thì người tham gia giao thông chấp hành rất nghiêm. Như vậy, có thể thấy, người dân đều biết quy định của pháp luật về giao thông đường bộ nhưng chấp hành mang tính chất đối phó.

Điều đáng nói ở đây là không chỉ người dân mà không ít cán bộ cũng không gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ. Cho nên chấn chỉnh và đảm bảo an toàn giao thông ở vùng sâu gặp rất nhiều khó khăn.

Chỉ trong đoạn đường ngắn tuần tra lực lượng chức năng đã xử lý hàng chục trường hợp vi phạm như: không đội mũ bảo hiểm, không mang theo giấy tờ xe, bằng lái xe… Anh Bùi Tiến Dũng - Phó Công an xã Đak Rong cho biết: Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng Công an xã đã thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền tận thôn, làng để vận động nhân dân chấp hành tốt Luật Giao thông Đường bộ. Tuy nhiên trình độ nhận thức của người dân rất thấp nên hiệu quả chưa cao. Khi lực lượng Công an xã tuần tra kiểm soát thì người dân tránh không ra đường nên rất khó khăn cho việc xử lý các vi phạm.

Thượng úy Đinh Khánh Tùng - Đội phó Đội Cảnh sát Giao thông Công an huyện Kbang cho biết: Huyện Kbang là địa bàn rất rộng, trong khi lực lượng Cảnh sát Giao thông lại mỏng, công cụ phương tiện hỗ trợ còn thiếu rất nhiều nên dàn trải lực lượng cho các địa bàn còn nhiều hạn chế, hiệu quả công tác chưa đảm bảo.

Ngoài ra, ý thức của người tham gia giao thông ở vùng sâu, vùng xa là rất kém, mang tính chất đối phó, tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát thì chấp hành rất tốt, nhưng khi chúng tôi rút về thì đâu lại vào đó và người dân tiếp tục vi phạm.

Để chấn chỉnh, đảm bảo an toàn giao thông vùng sâu, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần có sự phối hợp đồng bộ, tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người dân. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Nguồn: Báo Gia Lai

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)