Thái Bình: Cần nâng cao ý thức cho người qua đò ngang sông

Thứ hai, 17/06/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 10/5/2012, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành Thông tư số 15/2012/TT- BGTVT quy định về việc sử dụng phao cứu sinh và dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên các phương tiện vận tải ngang sông tại các bến đò trên cả nước. Đã gần 1 năm Thông tư này có hiệu lực nhưng hầu hết khách qua đò vẫn chưa có ý thức tự bảo vệ mình.
Ngày 10/5/2012, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành Thông tư số 15/2012/TT- BGTVT quy định về việc sử dụng phao cứu sinh và dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên các phương tiện vận tải ngang sông tại các bến đò trên cả nước. Đã gần 1 năm Thông tư này có hiệu lực nhưng hầu hết khách qua đò vẫn chưa có ý thức tự bảo vệ mình.

Tại Thái Bình hiện có 97 bến đò với 120 phương tiện đò ngang sông hoạt động. Trong đó, phần lớn là những bến đò do tư nhân làm chủ, hoạt động chủ yếu trên các tuyến sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc, sông Tiên Hưng... Trước yêu cầu cấp bách đặt ra cho các ngành chức năng là nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm an toàn tính mạng cho hành khách, đặc biệt là trong mùa mưa lũ, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 15/2012/TT nhằm bảo đảm 100% các phương tiện đò ngang được trang bị áo phao và dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân, 100% hành khách được phát và mặc áo phao trước khi xuống đò.

Bến đò Phú Hậu, xã Độc Lập (Hưng Hà) là một trong nhiều bến đò có lượng khách qua lại rất đông. Hai phương tiện được trang bị áo phao, dụng cụ nổi đủ cho 20 - 25 khách mỗi chuyến. Ông Trần Hữu Lanh, quản lý bến đò Phú Hậu cho biết: “Do thời gian mỗi chuyến qua sông chỉ giao động từ 5 đến 10 phút nên khi yêu cầu khách mặc áo phao người ta từ chối luôn. Ngay khi có quy định bắt buộc mặc áo phao khi qua đò ngang sông, chúng tôi đã thực hiện nghiêm túc thế nhưng từ lâu người dân qua đây đã có thói quen không mặc áo phao nên rất khó để thực hiện”.

Tuy nhiên nhiều hành khách khi được hỏi lại cho rằng các thiết bị áo phao cứu sinh không đạt yêu cầu, mất vệ sinh do không được bảo quản tốt. Trên thực tế, tại các đò đông khách thì số lượng thiết bị cứu sinh chỉ đáp ứng được một lượng nhỏ khách, hầu hết đều thiếu, không được thay thế định kỳ. Anh Phạm Trọng Phú (Hưng Hà) cho biết: “Tôi lấy vợ bên Hà Nam nên thi thoảng gia đình có việc là vợ chồng phải qua đò. Tôi nghĩ việc mặc áo phao là không cần thiết vì thời gian chuẩn bị áo phao lâu gấp đôi thời gian qua đò. Biết là không an toàn, nguy hiểm nhưng đi nhiều nên cảm thấy bình thường”.

Luật Giao thông đường thủy nội địa quy định, mỗi lượt đò chỉ được chở tối đa 12 người và phương tiện nhưng tại nhiều bến đò qua sông Hồng tình trạng quá tải vẫn thường xuyên diễn ra, nguy hiểm tiềm ẩn vào mùa mưa lũ khi lưu lượng tàu thuyền đi lại rất đông. Hành khách không được mặc áo phao, đeo thiết bị nổi trong khi các thiết bị này nằm im lìm trong khoang lái hay vắt vẻo trên đò phơi nắng, phơi mưa. Nhiều chủ đò còn cho biết, do không có kinh phí thay mới nên số lượng phao và dụng cụ nổi cứu sinh hao hụt. Có những đò không có phao dự phòng, chỉ vẻn vẹn gần chục cái phao cũ kỹ.

Chủ bến đò Nhật Tảo - Đỗ Văn Hồng, điều khiển đò mang số hiệu TB- 01110 cho biết: “Mặc dù có quy định hành khách qua sông bằng đò phải mặc áo phao nhưng nhiều người không chấp hành do tâm lý muốn qua sông nhanh chóng. Mình muốn thực hiện nhưng khách không thực hiện thì cũng bất lực”.

Do ý thức của người tham gia phương tiện đò ngang sông dẫn tới hiệu quả của Thông tư số 15 chưa cao. Ngoài ra, nguồn kinh phí của các chủ bến hạn hẹp, việc tự túc mua sắm phao và bảo trì phương tiện là quá sức với các bến đò nhỏ, lượng khách ít. Ngày ngày, người dân vẫn thờ ơ với tính mạng của mình. Các thiết bị cứu sinh không phát huy được tác dụng gây tốn kém, lãng phí tiền của. Điều đó cho thấy các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực này vẫn chưa đi vào cuộc sống.

Nguồn: Báo Thái Bình

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)