Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong những ngày lễ ở Hà Nội

Thứ ba, 14/04/2015 13:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và kỳ nghỉ 30/4, 1/5 năm nay, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được nghỉ sáu (06) ngày. Theo quy luật, thông thường trước, sau kỳ nghỉ này, lượng người, phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn Hà Nội tăng đột biến, dễ gây ùn tắc, tai nạn giao thông tại các tuyến đường cửa ngõ ra vào Thành phố.

Chủ động tổ chức, kiểm soát, xử lý tình hình giao thông trong những ngày nghỉ lễ này, UBND Thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Tổng công ty Vận tải Hà Nội có phương án tăng cường phương tiện nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân; chỉ đạo thực hiện đổi mới phương thức bán vé, ngăn chặn nạn đầu cơ, tăng vé, giá cước vận tải trái phép. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có biện pháp xử lý về hành chính, kinh tế đối với các trường hợp lái xe vi phạm các quy định về bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn. Các đơn vị bến xe tăng cường phối hợp các đơn vị vận tải hành khách công cộng trong việc quản lý phương tiện, xe phải bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật trước khi xuất bến. UBND thành phố yêu cầu Sở Giao thông vận tải và Công an thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng thành lập các tổ công tác liên ngành cơ động, duy trì lực lượng 24/24 giờ để tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các tuyến đường, khu vực trọng điểm có nguy cơ tai nạn giao thông cao…

Sức ép của sự gia tăng lưu lượng giao thông trong những ngày nghỉ lễ là rất lớn. Do đó, công tác tổ chức giao thông cũng phải nâng tầm trình độ tương xứng với sự đổi thay, phát triển này. Cùng với chỉ đạo của thành phố, để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong những ngày lễ, cũng cần sự phối hợp, tham gia của các bộ, ngành liên quan. Trong đó, coi trọng bảo đảm thông tin, liên lạc nhất là tại các tuyến đường, nút giao thông trọng yếu thường xảy ra ùn tắc, nguy cơ tai nạn cao, nắm chắc tình hình giao thông, nhất là ngày, giờ cao điểm, để chủ động phân luồng từ xa, kịp thời can thiệp điều phối, điều tiết giao thông hiệu quả. Hạn chế thấp nhất, hoặc dừng việc sửa chữa, duy tu, bảo trì đường bộ trong thời gian lưu lượng tham gia giao thông lớn; rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống biển báo, chỉ dẫn phù hợp, đúng quy định, bố trí lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông tại những vị trí mà người tham gia giao thông dễ vi phạm để hướng dẫn và xử lý…

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người dân là biện pháp hàng đầu, thường xuyên, với những cách thức sinh động, hiệu quả. Thực hiện nghiêm việc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe máy điện, xe đạp điện cho trẻ em từ sáu tuổi trở lên và kiên quyết xử lý khi vi phạm. Quan tâm nắm tình hình, tổ chức giao thông hợp lý tại khu vực nông thôn, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý những trường hợp vi phạm, để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, hạn chế tai nạn đang có chiều hướng gia tăng ở khu vực này. Kết hợp tăng cường kiểm tra, tịch thu những phương tiện đã hết hạn sử dụng vẫn lưu hành, tham gia giao thông, xử lý nghiêm những phương tiện quá hạn đăng kiểm theo quy định của pháp luật.

bichtt

Nguồn: Báo Nhân dân

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)