Phối hợp ngăn chặn, đẩy lùi TNGT đường sắt

Thứ ba, 16/02/2016 09:22
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tại một số địa phương vẫn còn thiếu thống nhất trong công tác quản lý khiến hạ tầng đường sắt liên tục bị xâm phạm và đó cũng là nguyên nhân khiến TNGT đường sắt liên tục xảy ra.

Theo thống kê của Tổng công ty đường sắt Việt Nam, hiện nay, trong số gần 6.000 đường ngang dân sinh qua đường sắt, chỉ có khoảng 1.500 đường ngang hợp pháp, còn lại khoảng 4.300 đường ngang không hợp pháp. Trong số 455 vụ TNGT đường sắt xảy ra trong năm 2015, có khoảng 80% số vụ xảy ra tại các đường ngang dân sinh bất hợp pháp và có tới 94% do người tham gia giao thông đường bộ vi phạm về an toàn giao thông đường bộ, đường sắt. Đặc biệt, theo thống kê, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt tại các đường ngang có chiều hướng gia tăng, và đó cũng là nguyên nhân của nhiều vụ TNGT đường sắt.

Bộ GTVT đã có nhiều văn bản chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty đường sắt Việt Nam rà soát các đường ngang và thực hiện việc tổng kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp toàn bộ mặt lát đường ngang, bổ sung các thiết bị an toàn như: cọc mốc, biển báo, đóng lối đi dân sinh bất hợp pháp… Tuy nhiên, tại các vị trí đường ngang dân sinh do người dân tự mở, ngành đường sắt đã tổ chức rào chắn, song không thể ngăn chặn được việc tự tháo dỡ và đi lại bình thường của người dân, do vậy, tình hình TNGT đường sắt rất dễ xảy ra và đang có chiều hướng gia tăng tại các đường ngang bất hợp pháp này.

Phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn đường sắt, TS Phạm Lê Tiến, Bộ môn Đầu máy - toa xe, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho biết mặc dù Luật Đường sắt và các nghị định, thông tư hướng dẫn đều quy định vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý cơ sở hạ tầng đường sắt, song thực tế việc triển khai quy định này chưa thực sự hiệu quả. Một số địa phương cấp đất, xây nhà trong hành lang an toàn đường sắt hoặc cấp đất dự án tại các khu đô thị ngay sát hành lang an toàn đường sắt nhưng không quy hoạch đường gom, do đó một ố doanh nghiệp, gia đình tự mở các đường ngang dân sinh trái phép.

TS Phạm Lê Tiến chia sẻ: Đã có nhiều nghị định, thông tư đã được thực hiện rồi, về chủ trương đường lối là đúng, nhưng thực hiện ở phía dưới chưa triệt để và chưa mang lại hiệu quả cao. Chúng tôi đề xuất cần thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT với UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua để đảm bảo ATGT tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt.

Thượng tá Nguyễn Hồng Đô, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn và tổ chức giao thông đường sắt, Cục CSGT cũng cho biết, khi phân tích nguyên nhân các vụ TNGT đường sắt, một số ý kiến thường đổ lỗi do sự gia tăng phương tiện cơ giới và ý thức của người tham gia giao thông còn thấp, bất cẩn khi đi qua đường ngang. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố này, thượng tá Nguyễn Hồng Đô cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến TNGT đường sắt gia tăng trong thời gian qua là do thiếu sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ hành lang an toàn đường sắt. Thượng tá Nguyễn Hồng Đô chỉ rõ, có nơi giao việc quản lý hành lang đường sắt cho Phòng CSGT, có nơi lại giao cho công an quận, huyện, có nơi coi đây là địa bàn giao thông, có nơi lại coi đó là địa bàn trật tự công cộng. Chính sự thiếu nhất quán này khiến việc quản lý hành lang an toàn đường sắt chưa hiệu quả.

Thượng tá Nguyễn Hồng Đô kiến nghị: Để làm tốt công tác đảm bảo TTATGT đường sắt nói chung, đặc biệt tại các đường ngang cần sự quan tâm vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương có đường sắt đi qua và mục tiêu đề ra là kiềm chế TNGT và xóa bỏ toàn bộ các đường ngang dân sinh xây dựng qua hàng rào ngăn cách giữa đường bộ và đường sắt.

Rõ ràng việc bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt không thể thiếu vai trò của chính quyền các địa phương nơi có đường sắt đi qua. Do vậy, khi chính quyền địa phương không thống nhất quản lý và vào cuộc mạnh mẽ, khó ngăn chặn được các hành vi xâm phạm hành lang an toàn đường sắt. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến TNGT đường sắt rất dễ xảy ra./.

kimcuc

Nguồn: VOV Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)