Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa thúc giục các nước châu Á tìm cách giảm một nửa số thương vong vì tai nạn giao thông trước năm 2020.
Hiện trường một vụ tai nạn tại Campuchia.
Cuộc nghiên cứu vào năm 2015 của Đại học Kỹ thuật Chalmers ở Thụy Điển được thực hiện tại 24 nước châu Á, chiếm 56% dân số thế giới, cho thấy số ca tử vong vì tai nạn giao thông tại các nước này lên tới 750.000 người mỗi năm và là nguyên do gây tử vong hàng đầu của những người dưới 30 tuổi.
Cuộc nghiên cứu cũng đưa ra con số đáng báo động là số người bị thương đã lên tới hơn 50 triệu người, trong đó có 12% được đưa vào bệnh viện, gây ra thiệt hại kinh tế khoảng 800 tỷ USD, tương đương với gần 4% GDP ở 24 quốc gia đó.
Ông Jac Wismans, đồng tác giả công trình nghiên cứu của Đại học Kỹ thuật Chalmers, cho biết sự gia tăng nhanh chóng của số lượng xe cộ tại các nước đang phát triển là nguyên do chính dẫn tới sự gia tăng của số thương vong. Ông cũng nói rằng sự gia tăng đó đã khiến một số quốc gia phải hành động quyết liệt.
Các số liệu của WHO cho thấy từ năm 2004, Trung Quốc là nước có khoảng 261.000 người tử vong hàng năm vì tai nạn giao thông, đã chứng kiến sự sút giảm đáng kể con số này nhờ những hệ thống đường sá an toàn hơn, cùng ý thức người dân chấp hành các luật lệ giao thông như không lái xe sau khi uống rượu và thặt đai an toàn.
Theo WHO, nếu không có chính sách hành động để giảm số thương vong, tai nạn giao thông có thể gây ra khoảng 1,3 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới vào năm 2020.