Phim ngắn Mầm non dưới đáy chai - giải Nhất cuộc thi 7 Film Fest 2016 do Báo Giao thông và Công ty TNHH HT Business tổ chức tiếp tục đoạt giải thưởng tại Liên hoan phim ATGT đường bộ toàn cầu (Global Road Safety Film Festival 2017) vừa diễn ra ngày 21/2 tại Genèva (Thụy Sĩ) - ở hạng mục Phòng, chống uống rượu bia khi lái xe.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách UBATGTQG, Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi 7 Film Fest 2016
trao giải Nhất cho phim “Mầm non dưới đáy chai” của đạo diễn Phan Hoàng An - Ảnh: Linh Hoàng
7 phút khơi dậy sự thức tỉnh
Mầm non dưới đáy chai của nhóm đạo diễn trẻ Phan Hoàng An (SN 1987) được quay trong 2 ngày với bối cảnh là một quán nhậu ở miền quê. Phim xoay quanh cuộc sống của một cậu bé tên Đậu, 11 tuổi, sống và làm việc cùng anh trai. Công việc hàng ngày phải tiếp xúc với các bợm nhậu khiến Đậu luôn cảm thấy lo sợ. Điều an ủi và giúp Đậu thoát khỏi những nỗi sợ hãi là một mầm cây nhỏ dưới gầm bàn đặt các bình rượu. Một lần các vị khách trong quán ẩu đả, sợ mầm cây bị giày xéo, Đậu đã ôm mầm cây chạy ra ngoài. Không may, vừa ra đến cổng, Đậu bị người anh trai đang chở bia về nhà trong tình trạng say xỉn tông vào. Cậu bé bất tỉnh trong vũng máu khi mầm cây trong tay em vẫn như khao khát vươn lên.
Được biết, ban đầu phim có tên gọi Mầm non dưới bàn gỗ. Nhưng sau khi nhận thấy nội dung và câu chuyện phim muốn truyền tải về một cậu bé luôn bị vây quanh bởi những lon bia, chai rượu nên cả nhóm đã đổi tên phim thành Mầm non dưới đáy chai, với ý nghĩa ẩn dụ cậu bé Đậu trong phim cũng như một mầm sống. Chỉ với 7 phút nhưng phim đã truyền tải trọn vẹn thông điệp “uống có trách nhiệm” một cách cảm động.
Đại diện Bộ GTVT thay mặt đoàn làm phim nhận giải tại Liên hoan phim
về ATGT đường bộ toàn cầu vừa diễn ra tại Genèva, Thụy Sĩ
Thông điệp mạnh mẽ
Biên kịch Diệu Hiền (SN 1993) - tác giả kịch bản Mầm non dưới đáy chai tiết lộ, kịch bản phim được xây dựng dựa trên những câu chuyện có thực xảy ra ở quê của chính tác giả. “Quê tôi có rất nhiều quán nhậu tự phát, họ mở quán và kéo con cháu vào làm. Nhiều người bạn nước ngoài của tôi đã khá sốc khi biết trẻ con ở nước ta phải sớm tiếp xúc với rượu, bia. Thầy của tôi cũng từng vì va chạm với người say rượu mà sau đó qua đời. Kể lại câu chuyện này tôi rất xót xa, nhưng đây là thực trạng đang diễn ra rất nhiều tại Việt Nam. Tôi muốn cảnh tỉnh mọi người phải biết kìm chế khi uống rượu bia, bởi uống nhiều quá sẽ gây hại cho chính bản thân và người khác. Đặc biệt, lúc uống xong rồi vẫn tham gia giao thông lại càng nguy hiểm”, Diệu Hiền chia sẻ.
Đạo diễn Phan Hoàng An đã sốc khi nghe tin phim ngắn của mình đoạt giải thưởng quốc tế. Với Hoàng An, đây là phim anh đã dồn hết tâm huyết nhưng không dám tin rằng khi mang ra quốc tế lại có những hiệu ứng tích cực đến vậy. Anh làm phim Mầm non dưới đáy chai với hy vọng sẽ cảnh tỉnh mọi người, những người đang sử dụng rượu, bia mà vẫn tham gia giao thông, cũng như đang để rượu, bia khống chế. Hãy biết kiểm soát bản thân để không chỉ bảo vệ bản thân mà còn bảo vệ người khác, bảo vệ những đứa trẻ - những mầm non tương lai của đất nước.
Cách truyền tải tinh tế
Là người trực tiếp hướng dẫn các đạo diễn trẻ trong cuộc thi làm phim ngắn 7 Film Fest, đạo diễn Charlie Nguyễn nhận xét, Mầm non dưới đáy chai là phim nổi trội bởi khả năng kể chuyện mạch lạc, rõ ràng, tạo nhiều cảm xúc, khắc họa nhân vật ngắn gọn và súc tích. Bên cạnh đó, cách đạo diễn sử dụng ngôn ngữ điện ảnh, hình ảnh, ánh sáng để tạo không gian của nhân vật cũng chỉn chu, đồng bộ.
Đạo diễn Charlie Nguyễn từng dành lời khen ngợi khi Mầm non dưới đáy chai truyền tải thông điệp “uống có trách nhiệm” mạnh mẽ nhưng vẫn rất điện ảnh: “Phan An đã chọn cách đưa thông điệp của mình mang tính ẩn dụ, để câu chuyện hoặc nhân vật trở nên trung thực nhưng vẫn gợi lại suy nghĩ cho khán giả. Có thể nhiều người nhìn vào thấy thông điệp không quá rõ ràng, nhưng thực sự, nếu đưa ra tính tuyên truyền quá lộ liễu sẽ làm mất đi tính điện ảnh của câu chuyện. Phim không giống một phim quảng cáo khô cứng, tuyên truyền lộ liễu vì thế sẽ đọng lại trong suy nghĩ của khán giả”.
Liên hoan phim ATGT đường bộ toàn cầu (Global Road Safety Film Festival) là hoạt động do Tổ chức quốc tế Laser (Life) tổ chức, ra mắt lần đầu tiên cách đây 10 năm, thu hút hơn 200 bộ phim đến từ nhiều nước tham gia. Liên hoan phim nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ATGT; Nâng cao nhận thức về các vấn đề an toàn đường bộ; Cung cấp nền tảng, khích lệ các nhà làm phim và nhà sản xuất tiếp tục tham gia thực hiện các bộ phim về an toàn đường bộ.
Các phim tham gia có thể theo nhiều chủ đề về ATGT như: Không chạy quá tốc độ, Không uống rượu, bia khi lái xe, đội MBH chất lượng tốt, ngăn ngừa lái xe mất tập trung… Bên cạnh việc trao 3 giải thưởng cho 3 bộ phim xuất sắc nhất, liên hoan phim còn trao giải cho các hạng mục: Phim về an toàn đường bộ tốt nhất ở Tây Ban Nha; Phòng chống uống rượu, bia khi lái xe; Phương tiện giao thông an toàn và thông minh; Thực hiện lái xe gắn máy an toàn; Đổi mới đường bộ an toàn.