Trong tháng 2/2017, các lực lượng chức năng tại các Trạm KTTTX lưu động, cố định và Thanh tra các Sở GTVT đã xử phạt hơn 1.900 xe vi phạm tải trọng, tước hơn 470 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước hơn 11 tỷ đồng.
Trong tháng 2/2017, các lực lượng chức năng
đã xử phạt được xử phạt hơn 1.900 xe vi phạm tải trọng
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ VN(ĐBVN), trong tháng 2/2017, bên cạnh công tác trung thực hiện nhiệm vụ bảo đảm, trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2017. Các lực lượng Thanh tra giao thông (TTGT), Cảnh sát giao thông và các lực lượng Cảnh sát khác vẫn tiếp tục duy trì công tác KSTTX, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, an toàn giao thông. Qua theo dõi, nhiều địa phương vẫn duy trì hoạt động tại các Trạm KTTTX lưu động và có kết quả tốt là Bắc Giang, Thái Nguyên, Thái Bình, Hòa Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Dương (trên QL.37), Hải Phòng (trên QL.5), Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Gia Lai, Bình Phước, Vĩnh Long. Một số địa phương đưa bộ cân KTTTX lưu động đi kiểm định nhưng vẫn duy trì KSTTX bằng cân xách tay.
Mặc dù công tác KSTT phương tiện bước đầu được kiềm chế, tuy nhiên thời gian gần đây vi phạm về tải trọng xe có biểu hiện tái diễn biến phức tạp. Đặc biệt, khi kết thúc chương trình phối hợp 12593 giữa liên Bộ GTVT và Bộ Công an để bố trí, sắp xếp lại lực lượng và một số bộ cân KTTTX lưu động đang đưa đi kiểm định một số lái xe, chủ xe cố tình trốn tránh, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng; hiện tượng xe quá tải, quá khổ tham gia giao thông tiếp tục xuất hiện trên một số tuyến quốc lộ, nhất là các tuyến đường tỉnh, tuyến đường gần khu vực tập kết hàng hóa, kho, cảng, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu… gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp, làm mất TTATGT và hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo Tổng cục ĐBVN cho biết, qua theo dõi và phản ánh của các cơ quan thông tin, báo chí và của người dân về đường dây nóng của Tổng cục ĐBVN, một số địa phương vẫn chưa đưa Trạm KTTTX lưu động vào hoạt động, khiến công tác KSTTX trên một số quốc lộ huyết mạch đang bị bỏ ngỏ, điển hình là QL.1, QL.13, QL.14 qua khu vực Tây Nguyên; vẫn xuất hiện các xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, chở hàng quá tải lưu thông trên QL.1 (Bắc – Nam), đường Hồ Chí Minh đoạn Hòa Lạc – Xuân Mai (Hà Nội), QL.6 đoạn Hà Nội – Hòa Bình và trên địa bàn một số địa phương, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.
Tổng cục ĐBVN đã chỉ đạo các Sở GTVT và các Cục QLĐB kiểm tra và xử lý theo như thông tin phản ánh: Xe mang Biển kiểm soát Quân đội, chở khoáng sản quá tải lưu thông từ Khu Công nghiệp Nam Cấm và khu vực huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An lưu thông trên QL.1 đi Cảng Hải Phòng; Xe cơi nới, cải tạo kết cấu thành thùng xe, chở hàng quá tải lưu thông trên QL.1 đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam; Xe chở vật liệu xây dựng, đất, đá quá tải lưu thông trên các tuyến đường khu vực xã Phước Tân, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; Xe chở máy biến áp, là hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, không có Giấy phép lưu hành xe, chở hàng từ Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh đi TP. Hồ Chí Minh, lưu thông trên QL.1; Một số chủ xe, lái xe lợi dụng sơ hở của các lực lượng làm công tác xuất, xếp hàng hóa tại các cảng thuộc Cảng Hải Phòng, sử dụng sà lan đưa hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn đến các cảng nhỏ, tư nhân như Cảng Vật Cách, sau đó xuất, xếp hàng hóa, lưu thông trên đường bộ khi không có giấy phép lưu hành xe hoặc sử dụng giấy phép lưu hành giả.
Để tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp KSTT phương tiện, nhằm đạt mục tiêu chấm dứt tình trạng phương tiện quá tải tham gia giao thông. Trong tháng 3, Tổng cục ĐBVN đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các Sở GTVT ngoài việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, kế hoạch của Bộ GTVT về việc tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện và Kế hoạch của Tổng cục ĐBVN về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.
Đồng thời tập trung xây dựng Kế hoạch KSTTX trên địa bàn và khẩn trương sắp xếp, bố trí lại lực lượng, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, chủ trì hoặc phối hợp với các lực lượng Công an đưa các Trạm KTTTX lưu động hoạt động trở lại. Trong trường hợp không có lực lượng CSGT và lực lượng Cảnh sát khác thì lực lượng TTGT chủ động thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ tại Trạm KTTTX; đồng thời sử dụng cân xách tay để KSTTX trên các hệ thống đường bộ thuộc địa bàn của địa phương (quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng);
Cùng với đó, Tổng cục đề nghị Thanh tra các Sở GTVT phối hợp với Thanh tra các Cục QLĐB và các lực lượng Công an địa phương tăng cường kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, các nhà máy, xí nghiệp lớn trong các Khu Công nghiệp, các mỏ đá, vật liệu xây dựng, đồng thời kiểm tra đột xuất những tuyến đường có tình trạng nhiều xe quá tải lưu thông như đã nêu trên.
Thanh tra các Sở GTVT phối hợp với các cảng kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không có giấy phép lưu hành xe hoặc sử dụng giấy phép lưu hành giả để chở hàng siêu trường, siêu trọng ra khỏi cảng, lưu thông trên đường bộ.
Để thực hiện tốt công tác KSTT xe, Tổng cục ĐBVN đề nghị các Cục QLĐB rà soát và phối hợp với các địa phương có quốc lộ đi qua đưa Trạm KTTTX lưu động hoạt động trở lại trên quốc lộ; Các Cục QLĐB, các Sở GTVT tiếp tục tăng cường quản lý, chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông nâng cao tinh thần trách nhiệm trong khi làm nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả công tác; phòng ngừa sai phạm trong khi làm nhiệm vụ.