Dù chỉ mới hơn 2 tuần trôi qua, kể từ khi Bộ Công an phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Quảng Bình đưa vào vận hành hệ thống camera giám sát, xử lý phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A, nhưng hệ thống đã mang lại kết quả rất khả quan về cả hiệu quả xử lý vi phạm cũng như ý thức của người tham gia giao thông.
Mọi vi phạm giao thông đều bị camera phát hiện
Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình, trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình có chiều dài 114km đã được lắp đặt 19 thiết bị; trong đó, có 5 camera đo tốc độ được phân cho đội CSGT phía Nam và phía Bắc quản lý. Đội phía Nam phụ trách 3 camera, đội phía Bắc phụ trách 2 camera.
Những vi phạm của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông trên tuyến QL1A
đều ngay lập tức được camera phát hiện và gửi hình ảnh về trung tâm điều hành.
Ngoài ra còn có 2 camera giám sát vi phạm đèn đỏ ở Dinh Mười (Quảng Ninh) và thị xã Ba Đồn; 3 camera giám sát phần đường và 7 camera quan sát; 1 camera giám sát vi phạm về dừng, đỗ tại ngã ba đường tránh lũ xã Hưng Thủy. Đó chính là lý do khiến cho hầu như tất cả những vi phạm giao thông (VPGT) trên tuyến Quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh trong hơn 2 tuần qua đều bị phát hiện.
Theo đại úy Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ phụ trách điều hành hệ thống camera (Phòng CSGT Công an tỉnh), ưu điểm của hệ thống camera này là tự động phát hiện mọi dấu hiệu vi phạm của phương tiện và ngay lập tức gửi hình ảnh về trung tâm điều hành.
Để xử lý những phương tiện này, mỗi tổ tuần tra phía Bắc và phía Nam của Phòng CSGT Công an tỉnh được trang bị hai máy tính bảng. Dữ liệu về phương tiện vi phạm mà camera phát hiện sẽ ngay lập tức được gửi đến máy tính bảng của hai tổ tuần tra. Hai tổ này căn cứ vào hình ảnh để đón dừng phương tiện vi phạm rồi lập biên bản xử phạt.
Với những trường hợp camera phát hiện phương tiện vi phạm mà hai tổ tuần tra trực tiếp không kịp xử lý, thì camera sẽ gửi dữ liệu về phương tiện vi phạm vào hệ thống ở trung tâm điều hành tại Phòng CSGT Công an tỉnh.
Từ biển đăng ký của phương tiện, chỉ cần một động tác kích chuột, toàn bộ thông tin về chủ sở hữu phương tiện sẽ được hệ thống chuyển đến trung tâm điều hành. Sau đó, tất cả hình ảnh vi phạm của phương tiện do camera ghi lại cùng với thông tin về chủ sở hữu phương tiện được gửi về đúng địa chỉ đăng ký để “phạt nguội”.
Với hình thức “phạt nguội”, Phòng CSGT Công an tỉnh đã chuẩn bị sẵn phương án dự phòng. Theo đó, nếu chủ phương tiện vi phạm đã nhận được hình ảnh, thông báo VPGT mà vẫn không chấp hành, thì Phòng CSGT sẽ phối hợp với các trung tâm đăng kiểm hoặc chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp “cứng rắn” như từ chối đăng kiểm, cưỡng chế...
“Điểm đặc biệt của hệ thống camera này là có thể đọc rõ hình ảnh biển đăng ký của tất cả các phương tiện, dù ban ngày hay ban đêm, thậm chí ngay cả khi bị chiếu đèn thì hệ thống xử lý của camera cũng có thể chiếu rõ được biển đăng ký. Nên với hệ thống camera này, tất cả VPGT trên tuyến đều bị camera phát hiện”, đại úy Tuấn nói.
Hiệu quả từ việc thay đổi ý thức
Theo Thượng tá Từ Nhật Tú, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh, sau hai tuần triển khai việc xử lý phương tiện vi phạm qua hệ thống camera giám sát, đã có 369 trường hợp bị xử lý, với số tiền phạt hơn 600 triệu đồng. Có 372 trường hợp đã được Phòng CSGT Công an tỉnh gửi thông báo xử lý “phạt nguội” về tận nhà chủ phương tiện. Trong số này đã có 19 trường hợp chủ phương tiện đến nộp phạt. Những con số này là minh chứng rõ nét nhất về hiệu quả của việc lắp đặt hệ thống camera giám sát trên Quốc lộ 1A.
Qua hệ thống camera, nhiều trường hợp VPGT “tưởng như không ai biết” đã bị xử lý nghiêm. Đại úy Tuấn kể cho phóng viên một vài trường hợp VPGT xảy ra khoảng gần 23 giờ tối 30/5/2017 trên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn.
Lúc này, xe ô tô mang biển kiểm soát 73A-05714 do tài xế Lê Anh T. (trú thị xã Ba Đồn) điều khiển đã chạy với tốc độ 115km/h trong khu vực chỉ được phép chạy 60km/h, tức gần gấp đôi tốc độ cho phép. Vi phạm này đã ngay lập tức bị camera đo tốc độ gắn tại đây phát hiện. Qua hình ảnh gửi về phòng điều hành, chiếc xe nói trên đã ngay lập tức bị lập biên bản xử phạt đến 7,5 triệu đồng. Ngay tại địa điểm này chỉ trước đó vài giờ đồng hồ, một ô tô khác mang biển kiểm soát 73A-04495 cũng bị camera phát hiện chạy đến 99km/h và cũng bị xử phạt với mức phạt cao nhất.
Thượng tá Từ Nhật Tú nói rằng, hiệu quả lớn hơn cả những con số xử phạt, đó chính là ý thức của người tham gia giao thông đã tăng lên rất rõ. Tài xế Nguyễn Xuân Quyết, trú huyện Lệ Thủy, lái xe dịch vụ 7 chỗ cho biết, từ ngày trên tuyến Quốc lộ 1A lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông, cứ mỗi lần anh điều khiển xe trên tuyến này đã cẩn thận hơn rất nhiều.
Hệ thống camera giám sát được lắp đặt tại khu vực đèo Lý Hòa,
xã Thanh Trạch, Bố Trạch đã phát huy rất tốt hiệu quả kể từ khi lắp đặt.
Anh Quyết cũng kể rằng, ngay từ những ngày đầu mới lắp đặt hệ thống này, giới tài xế trên địa bàn đã nhanh chóng cập nhật thông tin và truyền tai nhau để cùng ý thức hơn khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường. “Mới đầu nhiều lúc cũng “quên”, nhưng bây giờ ra đường biết rằng luôn có camera giám sát, nên phải cẩn trọng mọi lúc, mọi nơi để không vi phạm các quy định về an toàn giao thông”, tài xế Quyết thật thà nói.
Là người dân sống gần khu vực ngã tư Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn), anh Nguyễn Văn Huy cho biết: “Trước đây, tôi thấy tình trạng người tham gia giao thông qua đây rất tùy tiện, không chấp hành pháp luật ATGT nên tai nạn giao thông xảy ra rất nhiều. Có lúc chỉ trong một tuần mà có đến 3 vụ tai nạn giao thông xảy ra. Từ khi lắp đặt hệ thống camera giám sát vi phạm giao thông, mặc dù không có các chiến sĩ CSGT tuần tra kiểm soát nhưng nhiều người đã chấp hành đúng quy định về ATGT”.
Theo Thượng tá Từ Nhật Tú, nếu tính trên bình diện cả nước, Quảng Bình là tỉnh thứ 5 được lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông. Tuy nhiên, đây là nơi đầu tiên trong cả nước hệ thống camera này được lắp đặt cho tuyến đường hỗn hợp; 4 tỉnh còn lại đều lắp trên đường cao tốc.
Thượng tá Từ Nhật Tú cho rằng, việc lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông không phải là để xử phạt được thật nhiều, mà để người dân ý thức hơn khi tham gia giao thông. Mỗi người dân khi ra đường đều ý thức được rằng việc tham gia giao thông hiện tại luôn có cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ.
“Ý thức của người tham gia giao thông lâu nay thường khá chủ quan khi điều khiển phương tiện, vì luôn nghĩ rằng hành vi của mình không ai biết, không ai thấy. Chính sự chủ quan này nhiều lúc đem lại hậu quả rất nặng nề cho cả bản thân và những người tham gia giao thông khác. Rất nhiều tai nạn giao thông đã xảy ra theo cách như thế. Vì vậy, hệ thống camera giám sát VPGT được kỳ vọng sẽ tạo cho người dân một thói quen mới. Đó là thói quen “sợ camera phát hiện” để tự giác chấp hành quy định khi tham gia giao thông”, Thượng tá Từ Nhật Tú nói.