Liên tục những vụ tai nạn đường sắt xảy ra thời gian qua là tiếng chuông báo động về sự chủ quan của người tham gia giao thông, ẩn họa từ những đường ngang dân sinh trái phép cũng như nguy hiểm của việc vi phạm hành lang ATGT đường sắt. Những vụ tai nạn giao thông đường sắt - một khi đã xảy ra thường để lại hậu quả rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và của.
CSGT cùng cán bộ ngành Đường sắt tuần tra, đảm bảo an toàn giao thông.
Không rào chắn, không đèn cảnh báo tự động, không người canh gác - đây có thể coi là đặc điểm chung của phần lớn các tuyến đường ngang dân sinh tự phát. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Nam Định, với hơn 40km đường sắt, có tới chừng 300 đường ngang như thế.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều yếu tố là nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn đường sắt - như độ dốc đoạn giao giữa đường ngang với đường bộ hay tầm nhìn bị cản trở bởi địa hình địa vật xung quanh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tai nạn hoàn toàn có thể xuất phát từ sự chủ quan của người tham gia giao thông.
Tại một tuyến đường ngang trên địa bàn xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, đường rộng, tầm nhìn thoáng, song chiều ngày 4/2/2017, một vụ tai nạn đã xảy ra. Xe du lịch 16 chỗ chở khách Yên Bái đi lễ cố vượt qua đường giao nhau khi tàu đã tới rất gần. Tài xế bỏ ngoài tai tiếng còi cảnh báo. Lái tàu không thể phanh gấp khi 2 phương tiện chỉ còn cách nhau tầm 100m. Hậu quả, xe 16 chỗ bị hất văng, ít nhất 2 người bị thương còn tài xế tử vong tại chỗ.
Có mặt tại một đường ngang dân sinh hợp pháp ở khu vực Cầu Họ (Mỹ Lộc), dù có đèn cảnh báo tự động, nhưng tại đây cũng đã xảy ra ít nhất hai vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của nhiều nạn nhân. Điều đó cho thấy, bên cạnh ý thức người tham gia giao thông, khuất tầm nhìn cũng là một trong những lý do chính dẫn đến tai nạn. Việc lập lại hành lang an toàn giao thông đường sắt vì thế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Trong những ngày lực lượng chức năng ra quân rà soát, kiểm tra, tập trung xử lý nghiêm vi phạm TTATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh Nam Định, các hộ lấn chiếm, sai phạm đều được nhắc nhở, tổ chức ký cam kết; mọi cây cối mọc lòa xòa, chắn tầm nhìn được người dân tự giác thu gọn, chặt bỏ.
Anh Văn Quang Kỳ (Mỹ Thuận - Mỹ Lộc) cho hay, cây xoài nhà anh trồng đã lâu, rất sai quả, chặt đi cũng tiếc nhưng vì lợi ích chung, vì an toàn cho mọi người nên anh vui vẻ chấp hành.
Tại TP Nam Định, vi phạm xảy ra phổ biến hơn. Xe đỗ trái đường, biển quảng cáo, vật liệu xây dựng đổ tràn lan. Song đáng nói ở chỗ, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của mỗi thành viên trong đoàn kiểm tra, cũng cần ghi nhận tinh thần tự giác khắc phục sai phạm của các hộ dân ở đây. Không khó để thấy, dù muốn hay không, nhiều người vẫn đang phải bám trụ cuộc sống men đường tàu để mưu sinh. Họ cũng đang hàng ngày, hàng giờ đối diện với nguy hiểm. Nạn nhân thường không phải là họ, bởi sống ở đây lâu, họ đã thuộc lịch tàu chạy cũng như quen thuộc với tiếng còi tàu.
Những tấm biển thô sơ với nội dung “cẩn thận có tàu”, “chú ý tai nạn”… là thành ý của người dân địa phương. Song thường thì nó không phát huy được tác dụng cảnh báo. Anh Dương Công Phúc, một người làm nghề dịch vụ ở ngã ba Cát Đằng, huyện Ý Yên cho biết, bản thân anh đã tận mắt chứng kiến ít nhất ba vụ, và ngay buổi sáng hôm ấy thôi, có hai bố con bế nhau từ xe khách xuống cũng suýt gặp tai nạn nếu anh không kịp nhanh chân chạy ra nhắc.
Anh Phúc nói, người dân ở đây không ai muốn làm lối đi cắt ngang đường tàu, cũng chẳng ai muốn ngày ngày băng qua đường sắt, song với đặc thù kinh doanh tại nhà, cần lối sang cho khách - tính chất công việc và nhu cầu sinh hoạt buộc họ phải làm vậy. Qua thời gian, nhiều gia đình ở đây đã lấn chiếm, xây dựng công trình trên phần đất vốn là hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Sau những vụ tai nạn kinh hoàng vừa qua, người dân đã dần nhận thức được sự nguy hiểm xuất phát từ những công trình tự phát này và mong muốn có một con đường gom đi lại cho an toàn. Khi ấy, họ sẽ là những người đầu tiên tự nguyện tháo dỡ toàn bộ phần công trình lấn chiếm, không yêu cầu hỗ trợ, thậm chí còn sẵn sàng chung tay “nhà nước và nhân dân cùng làm” để con đường mới rộng rãi hơn, ôtô ra vào được.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt chia sẻ việc xây dựng đường gom là nguyện vọng của người dân, đồng thời cũng là phương án được chuyên gia đánh giá tốt nhất trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt ở thời điểm hiện tại.
Việc xây dựng đường gom và hàng rào đường gom không chỉ giúp xóa bỏ những đường ngang dân sinh trái phép mà còn có tác dụng hướng người dân đi ra những đường ngang hợp pháp mà ở đó cơ quan chức năng đã bố trí các biện pháp đảm bảo an toàn, loại bỏ hầu hết những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tai nạn. Song vì lí do gì đến giờ phút này, một tuyến đường quan trọng như vậy vẫn chưa được xây dựng?
Thiếu kinh phí là câu trả lời của một đơn vị có liên quan. Đây cũng là lí do muôn thuở dẫn đến sự chậm trễ, ngưng trệ của rất nhiều công trình. Nhưng thiết nghĩ, với công trình có ý nghĩa chiến lược trong mục tiêu giải quyết triệt để, tận gốc nguy cơ tái diễn những tai nạn thương tâm như thế - việc xây dựng khẩn trương, sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng là điều hết sức cần thiết.
Đối với mỗi người dân tham gia giao thông, cần phải biết tự bảo vệ mình, đề phòng mỗi khi qua lại ở các tuyến đường ngang dân sinh, tránh trường hợp chủ quan dẫn đến tai nạn đáng tiếc xảy ra.