Sáng 16/1, tại Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức công bố kết quả nghiên cứu “Ảnh hưởng của việc sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) trong khi điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông”.
Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia
giới thiệu tổng quan về nghiên cứu ảnh hưởng sử dụng ĐTDĐ khi điều khiển phương tiện
Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, nâng cao kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn, góp phần xây dựng văn hóa giao thông tại Việt Nam, Ủy ban ATGT Quốc gia và và Công ty TNHH Ford Việt Nam, Quỹ Phòng Chống thương vong Châu Á phối hợp thực hiện nghiên cứu “Ảnh hưởng của việc sử dụng ĐTDĐ trong khi điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông”.
Theo ông Nguyễn Trọng Thái, nghiên cứu được thực hiện bởi Nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức do TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm làm Trưởng nhóm. Nghiên cứu được thực hiện với 3 mục đích chính: (1) Đánh giá thực trạng sử dụng ĐTDĐ khi điều khiển phương tiện giao thông tại một số đô thị Việt Nam; (2) Phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới quyết định sử dụng điện thoại trong lúc đang lái xe; (3) Lượng hoá ảnh hưởng của việc sử dụng ĐTDĐ tới nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Báo cáo về kết quả nghiên cứu, TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, thực trạng sử dụng ĐTDĐ khi điều khiển xe máy (210.000 lượt quan sát) tại 9 địa điểm của TP Hồ Chí Minh và Bình Dương được lựa chọn để quan sát trực tiếp hành vi sử dụng ĐTDĐ trong khi lái xe cho thấy hình thức sử dụng phổ biến là gọi điện thoại dạng cầm tay và nhắn tin, có rất ít người gọi điện thoại dạng rảnh tay (handsfree). Đối tượng điều khiển xe đạp điện (e-bike) có tỷ lệ sử dụng ĐTDĐ đặc biệt cao (với tỷ lệ 192/1000), gấp khoảng 32~38 lần so với tỷ lệ vi phạm ở đối tượng đi xe máy (khoảng 6/1000) và đối tượng đi xe đạp (khoảng 5/1000).
Trong các loại đường thì đường nông thôn có tỷ lệ người điều khiển phương tiện vi phạm cao nhất (khoảng 11 xe vi phạm trên mỗi 1000 xe quan sát được). Nam giới là đối tượng vi phạm chủ yếu, chiếm khoảng 75% đến 80% các đối tượng quan sát có vi phạm. Trong những người sử dụng ĐTDĐ khi đang điều khiển phương tiện thì chỉ có khoảng 6% dừng hẳn xe vào lề đường, 33% chuyển vào làn giáp lề và đi chậm lại, còn khoảng 61% vẫn giữ tốc độ xe chạy như các xe khác trên đường.
TS. Trần Hữu Minh - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia (giữa)
chủ trì nội dung thảo luận đóng góp ý kiến hoàn thiện báo cáo kết quả nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu thực nghiệm trên sa hình ô tô cho thấy sử dụng điện thoại khi đang lái ô tô có thể làm xác suất xảy ra TNGT tăng cao gấp gần 3 lần so với trường hợp không sử dụng điện thoại. Mức độ tăng xác suất xảy ra TNGT sẽ cộng hưởng với các trường hợp sử dụng điện thoại di động khi xe bắt đầu khởi hành, đi qua nút giao thông, tăng tốc hay giảm tốc trên đường thẳng.
Nghiên cứu thực nghiệm trên thiết bị mô phỏng xe máy cho kết quả sử dụng điện thoại nhắn tin làm tăng rủi ro xảy ra tai nạn gấp 20,3 lần so với khi không sử dụng điện thoại. Nói chuyện điện thoại dạng cầm tay làm tăng rủi ro xảy ra tai nạn gấp 8,5 lần so với khi không sử dụng điện thoại. Nói chuyện điện thoại dạng rảnh tay làm tăng rủi ro xảy ra tai nạn gấp 5,3 lần so với khi không sử dụng điện thoại. Yếu tố vận tốc và số năm kinh nghiệm lái xe đều có ảnh hưởng đến xác suất xảy ra tai nạn khi sử dụng điện thoại cầm tay và rảnh tay. Rủi ro xảy ra TNGT khi nhắn tin rất cao kể cả với lái xe chuyên nghiệp và có kinh nghiệm. Nội dung tin nhắn càng phức tạp càng làm phân tâm lái xe và dẫn tới rủi ro gây tai nạn cao hơn.
Thay mặt Nhóm nghiên cứu, TS. Vũ Anh Tuấn đề xuất các giải pháp, chính sách để hạn chế hành vi sử dụng ĐTDĐ trong khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đó là cấm hoàn toàn hành vi sử dụng điện thoại di động cầm tay khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Với điện thoại rảnh tay (Bluetooth): Từ kinh nghiệm của các nước phát triển (như Mỹ, Đức, Nhật Bản,…) – luật cho phép sử dụng điện thoại rảnh tay –có thể cho phép sử dụng các công nghệ kết nối như Bluetooth giúp người lái xe có thể liên lạc qua điện thoại, nhưng hoàn toàn rảnh tay để có thể tập trung lái xe an toàn, kèm theo đó là các hướng dẫn, khuyến cáo chặt chẽ và cụ thể khi sử dụng loại điện thoại rảnh tay trong khi điều khiển phương tiện.
Cùng với đó, nâng cao mức phạt hành chính và bổ sung hình phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại nhắn tin hoặc nghe gọi để đủ mức độ răn đe đối với người điều khiển ô tô. Tăng cường công tác tuần tra xử phạt: Tăng cường ứng dụng công nghệ thiết bị cho phép trích xuất hình ảnh sử dụng điện thoại cho công tác xử phạt nguội. Nâng cao nhận thức của người dân về tác hại nguy hiểm của hành vi sử dụng điện thoại trong lúc lái xe bằng việc thực hiện các chiến dịch truyền thông và chương trình giáo dục ATGT. Các kết quả phân tích về sự gia tăng khả năng xảy ra TNGT do sử dụng điện thoại trong khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ là những thông điệp có sức mạnh to lớn làm thay đổi thái độ và hành vi của người dân. Cải thiện công tác đào tạo lái và sát hạch cấp phép lái xe: Cung cấp thông tin cho học viên về sự ảnh hưởng nguy hiểm của hành vi sử dụng điện thoại và các cách lái xe an toàn khi có ý định sử dụng điện thoại.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, sử dụng điện thoại cầm tay khi lái xe là 1 trong 5 nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tai nạn giao thông trên thế giới. Hành vi sử dụng điện thoại cầm tay khi điều khiển phương tiện cơ giới là hành vi bị cấm trong Công ước quốc tế về Giao thông đường bộ mà Việt Nam tham gia và cam kết thực hiện. Vì vậy, cần nghiên cứu để cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại cầm tay khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, cho phù hợp với Công ước quốc tế mà VN đã tham gia, đồng thời tăng cường đảm bảo ATGT cho cộng đồng.
“Tại Việt Nam, hành vi này đang diễn biến phức tạp có ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn giao thông của cộng đồng. Qua nghiên cứu này, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ chuyển kết quả nghiên cứu tới các cơ quan có liên quan phục vụ cho việc nghiên cứu các giải pháp phù hợp bao gồm hoàn thiện quy định pháp luật, hạ tầng kỹ thuật, tuyên truyền giáo dục và kiểm tra giám sát, cưỡng chế thực thi” - ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.
Xuân Nguyên