Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có hàng chục tuyến đường bộ giao cắt cùng mức với đường sắt; trong đó, các tuyến đường ngang nội thị ở quận Thanh Khê thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ mỗi khi tàu hỏa chạy qua, nhất là vào giờ cao điểm.
Tình trạng ùn tắc cục bộ xảy ra sau khi tàu hỏa chạy qua tại đường Hà Huy Tập,
đoạn giao cùng mức với đường sắt chờ tàu.
Nhà của bà Ánh (số 57 Hà Huy Tập, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) nằm cạnh con đường giao cắt với tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua. Vì vậy, hằng ngày bà chứng kiến các loại phương tiện giao thông dừng thành hàng dài chờ tàu, sau đó chen lấn, gây tình trạng ùn tắc cục bộ, nhất là vào giờ cao điểm.
“Thời gian gần đây, tình trạng ùn tắc giảm đôi chút nhưng đó là do có lực lượng chức năng túc trực để phân luồng giao thông. Khi vắng bóng lực lượng chức năng, tình trạng ùn tắc cục bộ vẫn xảy ra. Phải mất khoảng 10-15 phút sau khi tàu chạy qua, giao thông khu vực này mới trở lại bình thường”, bà Ánh cho hay.
Theo ghi nhận của phóng viên, vào các giờ cao điểm, nhất là khoảng 17-18 giờ, tại đường Hà Huy Tập, đoạn cắt ngang tuyến đường sắt thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông mỗi khi có tàu đi qua. Đây là tuyến đường tập trung bệnh viện, trường học, chợ… nên rất đông người và phương tiện lưu thông. Trước và trong lúc tàu hỏa chạy qua, các phương tiện phải dừng tại các vị trí đường sắt giao nhau với đường bộ.
Tuy nhiên, nhiều người dân không thực hiện đúng quy định dừng, đỗ; thậm chí, nhiều trường hợp cố tình dừng, đỗ phương tiện ngược chiều, lấn sang phần làn đường bên trái. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại hai tuyến đường ngang khác trên địa bàn quận Thanh Khê là Lê Độ và Trần Cao Vân.
Trung tá Phạm Bảy, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự (CSGT-TT) Công an quận Thanh Khê cho biết, trên địa bàn quận có 6 tuyến đường ngang giao nhau cùng mức với đường sắt chạy qua. Trong số này, 3 tuyến đường gồm: Trần Cao Vân, Lê Độ và Hà Huy Tập thường xuyên có lượng phương tiện giao thông đông đúc nhất, đặc biệt vào giờ cao điểm.
“Để hạn chế mức thấp nhất tình trạng ùn tắc cục bộ tại các vị trí giao nhau này, Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Khê thường xuyên phối hợp bảo đảm trật tự giao thông, chia các tổ kiểm tra tham gia phân luồng và xử lý các vi phạm về dừng đỗ sai quy định. Tình trạng vi phạm trong thời gian gần đây giảm đáng kể nhưng ùn tắc cục bộ vẫn xảy ra khi không có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ”, Trung tá Phạm Bảy nói.
Cũng theo Trung tá Phạm Bảy, đội còn đề xuất Ban An toàn giao thông quận Thanh Khê trang bị hệ thống loa lắp tại các tuyến đường ngang giao đường bộ - đường sắt để tuyên truyền các quy định về dừng, đỗ phương tiện theo Luật Giao thông đường bộ và Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Trao đổi thêm về nội dung này, Trung tá Nguyễn Bá Cường, Đội trưởng Đội CSGT đường sắt (Phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng) cho biết, trên địa bàn thành phố bình quân mỗi ngày có 32-33 chuyến tàu chạy qua. Trong thời gian cao điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 còn tăng cường thêm 3 chuyến tàu, nhưng trên địa bàn thành phố không xảy ra vụ TNGT đường sắt nào.
“Về công tác bảo đảm trật tự giao thông ở các tuyến đường bộ giao với đường sắt qua địa bàn, đơn vị thường xuyên phối hợp cùng các đội CSGT Công an các quận, huyện có đường sắt đi qua triển khai lực lượng làm nhiệm vụ, thực hiện hiệu quả các kế hoạch đề ra”, Trung tá Nguyễn Bá Cường thông tin.
Đối với địa bàn quận Thanh Khê, theo Trung tá Nguyễn Bá Cường, đội thường xuyên triển khai kế hoạch, phân công lực lượng tại 3 vị trí giao cắt trọng điểm. Đội chia lực lượng thành các ca trực hằng ngày, nhất là từ 6 giờ 30 đến 8 giờ và từ 16 giờ 30 đến 18 giờ, làm nhiệm vụ điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc tại các tuyến đường ngang.
“Chúng tôi tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, qua đó góp phần nâng cao ý thức của người dân, hạn chế mức thấp nhất tình trạng ùn tắc cục bộ”, Trung tá Cường nói.