Thời gian qua, kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) được quan tâm đầu tư, đa số các tuyến đường liên ấp, liên xã được bê tông, nhựa, cứng hóa phục vụ nhu cầu giao thương, sản xuất, đi lại của người dân. Tuy nhiên, ý thức một số người dân khi tham gia giao thông chưa cao đang là nguy cơ tiềm ẩn gây ra tai nạn trên các tuyến đường GTNT.
Vi phạm an toàn giao thông khu vực nông thôn còn diễn ra khá phổ biến
Còn vi phạm
Chạy xe trên những tuyến đường bê tông rộng rãi, khang trang xen lẫn trong cánh đồng thanh long xanh tốt, chúng tôi nhận thấy niềm vui của người dân xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An khi diện mạo nông thôn ngày thêm đổi mới.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hà Minh Tuấn chia sẻ: “Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm cùng sự đóng góp của nhân dân, hạ tầng GTNT được đầu tư ngày càng hoàn thiện. Đến nay, 100% (42km) đường trục xã, liên xã, trục ấp được đầu tư bê tông, nhựa hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa với các địa phương lân cận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển hạ tầng GTNT là sự gia tăng của các loại phương tiện giao thông và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) của một bộ phận người dân chưa cao. Hiện nay, nhiều tuyến đường nông thôn mặc dù được xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng nhưng kèm theo đó là sự xuất hiện của nhiều đường ngang, đường nhánh, nhiều vật che khuất tầm nhìn, xe tự chế để chở hàng hóa vẫn diễn ra phổ biến ở khu vực nông thôn nên tình trạng mất ATGT diễn biến khá phức tạp, tai nạn giao thông (TNGT) có chuyển biến nhưng còn xảy ra.
Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư, nhiều tuyến đường liên xã, liên ấp ở các xã, kể cả xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Hưng được xây dựng, nâng cấp. Hệ thống GTNT được cải thiện góp phần giúp người dân đi lại, giao thương thuận lợi. Bên cạnh đó, đời sống người dân vùng nông thôn được nâng lên, người dân có điều kiện mua sắm xe máy để đi lại.
Đường ngang, đường nhánh cần được lắp biển báo
Theo Đại tá Nguyễn Văn Lành - Trưởng Công an huyện Tân Hưng, tình hình TNGT trên địa bàn thời gian qua giảm đáng kể nhưng còn xảy ra. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là cầu, đường GTNT qua thời gian dài sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng, không bảo đảm cho người và phương tiện lưu thông. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế, tình trạng vi phạm quy định về TTATGT diễn ra khá phổ biến. Mặt khác, do lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông, xử lý vi phạm còn mỏng, trong khi mạng lưới GTNT rộng, thường chỉ bố trí tuần tra ở các tuyến trọng điểm, phức tạp, tình trạng người tham gia giao thông vi phạm quy định về TTATGT diễn ra khá phổ biến, thường xuyên vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, không đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông, dẫn đến nguy cơ cao gây TNGT.
Bảo đảm an toàn giao thông nông thôn
Nhằm bảo đảm ATGT trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, ngoài các lực lượng chức năng, Mặt trận, các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ TNGT.
Duy trì, nhân rộng các mô hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hiệu quả
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Long An - Ngô Thanh Tuyền cho biết, thời gian qua, công tác tuyên truyền hội viên, nông dân trong bảo đảm TTATGT được chú trọng lồng ghép qua các cuộc sinh hoạt lệ kỳ của Hội Nông dân các cấp, chi, tổ hội. Hội Nông dân Việt Nam tỉnh còn xây dựng các mô hình bảo đảm ATGT và được triển khai nhân rộng ở các cấp hội: 7 không, 5 biết trong thực hiện bảo đảm ATGT đường bộ, đường thủy; Đoạn đường ATGT; Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; phối hợp các cơ quan, đoàn thể tổ chức các hội thi tuyên truyền về ATGT...
Qua tuyên truyền, ý thức của hội viên, nông dân và con em hội viên, nông dân được nâng lên, chấp hành tốt pháp luật về ATGT, tuân thủ các quy định, quy tắc khi tham gia giao thông. Thời gian tới, Hội Nông dân Việt Nam tỉnh tăng cường phối hợp các cấp, các ngành trong công tác bảo đảm TTATGT; củng cố, duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả, nhất là các mô hình ATGT nông thôn.
“Để bảo đảm ATGT nông thôn hiện nay, địa phương chỉ đạo Mặt trận, các đoàn thể, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên chấp hành nghiêm pháp luật về ATGT, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, địa phương xây dựng kế hoạch phối hợp lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các vụ vi phạm xảy ra” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Lục Long - Hà Minh Tuấn cho biết.
Cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
về trật tự, an toàn giao thông
Theo Đại tá Nguyễn Văn Lành - Trưởng Công an huyện Tân Hưng, lập lại TTATGT, nhất là GTNT, thời gian tới, Công an huyện triển khai tích cực các giải pháp nhằm tăng cường bảo đảm TTATGT. Trong đó, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT trong mọi tầng lớp nhân dân. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, tập trung xử lý nghiêm những hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT như xử lý vi phạm nồng độ cồn, vi phạm ATGT trên địa bàn nông thôn, không đội nón bảo hiểm, các trường hợp thanh, thiếu niên tụ tập điều khiển phương tiện chạy lạng lách, đánh võng,...
Nhằm giảm thiểu TNGT ở khu vực nông thôn, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, các đoàn thể cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân khu vực nông thôn tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT; chú trọng phát huy vai trò của lực lượng công an trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường GTNT./.