Xuất phát từ thói quen buôn bán, mua sắm “sẵn - tiện”, một bộ phận người dân thường tụ tập, họp chợ lấn chiếm lòng, lề đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao - nhất là thời điểm cận tết.
Điểm chợ tự phát tại ấp Bông Trang, xã Thạnh Đức.
Người dân vô tư mua bán, qua lại trên đường Quốc lộ 22B.
Lòng, lề đường thành nơi họp “chợ”
Nhiều năm qua, chợ Tây Ninh (phường 2, TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) luôn là “điểm nóng” về tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường. Cứ vào mỗi buổi chiều, khi họp chợ là hàng trăm tiểu thương mang hàng hoá xuống lòng đường bày bán. Trong khi đó, nhiều người dân cũng dừng lại để mua hàng, gây nên tình trạng ùn ứ giao thông ở khu vực này.
Nằm trên Quốc lộ 22B, điểm chợ tự phát tại ấp Bông Trang, xã Thạnh Đức (huyện Gò Dầu) vẫn đều đặn họp chợ từ sáng sớm đến gần 10 giờ trưa với hàng chục hộ dân kinh doanh. Nhiều người đi chợ mua bán, mặc cho các phương tiện giao thông chạy tốc độ cao trên Quốc lộ 22B.
Cách điểm chợ tự phát ấp Bông Trang khoảng 1km có một điểm “chợ” tự phát tại đầu tuyến đường thuộc ấp Bến Mương, xã Thạnh Đức, cũng đều đặn họp chợ mỗi buổi chiều, biến hai bên đường thành nơi buôn bán nhộn nhịp. Trong khi đó, người dân tại xã Thạnh Đức vẫn quen gọi chợ ấp Bông Trang là chợ sáng và chợ ấp Bến Mương là chợ chiều. Điều đáng nói, nằm giữa hai điểm chợ tự phát này là chợ xã Thạnh Đức, được quy hoạch bài bản nhưng rất ít người ghé mua sắm.
Nhiều người dân tại xã Phước Đông đã không còn xa lạ với cảnh họp “chợ” nhộn nhịp gần cổng chính khu công nghiệp. Ở đó, người dân bày bán ngay dưới lòng đường. Người bán bất chấp nguy hiểm còn người mua cũng liều mình không kém. Giờ tan tầm, nhiều công nhân dừng xe trên lòng đường, mua món hàng mình cần rồi phóng đi bất chấp tiếng còi của những xe tải, xe container như “thét” vào tai.
Anh Nguyễn Đức, một tài xế xe tải thường xuyên qua khu vực này cho biết: “Mỗi khi gần đến đây tôi phải rà phanh, đi thật chậm, vừa đi vừa bóp còi xin đường nhưng nhiều người làm như không nghe, không thấy, thậm chí có người còn chửi chúng tôi dù họ là những người vi phạm Luật Giao thông đường bộ”.
Còn theo bà Q.H, một tiểu thương bán cua biển tại đây cho hay, trong chợ của hợp tác xã chợ Phước Đông quá đông nên bà phải ra đây ngồi. Bà H cho biết: “Bán ở đây nguy hiểm lắm nhưng thấy nhiều người bán nên tôi làm theo thôi. Hơn nữa, tôi ngồi sát trong lề rồi, lát nữa công nhân họ đậu xe phía ngoài nên không thấy lo nữa”.
Có thể thấy, cảnh buôn bán dưới lòng, lề đường tại cổng Khu Công nghiệp Phước Đông chính là hình ảnh một số khu, cụm công nghiệp như cổng Khu công nghiệp - chế xuất Linh Trung III (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng); Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Bến Cầu), hoặc tại Cụm công nghiệp Thanh Điền (xã Thanh Điền, Châu Thành)...
Sẽ tăng cường xử lý
Ông Trương Hữu Tính - Chủ tịch UBND xã Thạnh Đức cho biết, trên địa bàn xã hiện có hai điểm chợ tự phát tại ấp Bông Trang và ấp Bến Mương. Thời gian qua, Ban An toàn giao thông xã - mà nòng cốt là lực lượng Công an xã đã thực hiện các đợt tuyên truyền, nhắc nhở các hành vi lấn chiếm lòng, lề đường buôn bán gây mất an toàn giao thông ở đây. Đa số những hộ buôn bán tại các chợ tự phát có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên xã tập trung tuyên truyền nhắc nhở, và chỉ xử phạt đối với những trường hợp bị nhắc nhở nhiều lần nhưng cố tình vi phạm.
Còn theo ông Nguyễn Văn Sự - Phó Chủ tịch UBND xã An Tịnh, để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông tại cổng các khu công nghiệp trên địa bàn, xã đã thành lập tổ giải toả lấn chiếm lòng, lề đường hoạt động hằng ngày vào hai buổi sáng và buổi chiều tại các điểm người hay tụ tập buôn bán, lấn chiếm lòng, lề đường. Trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, UBND xã chỉ đạo lực lượng công an và trật tự xã tiếp tục ra quân giải toả lấn chiếm lòng, lề đường.
Tuyến đường Võ Văn Truyện đoạn qua chợ Tây Ninh thường xuyên bị lấn chiếm khiến giao thông ùn tắc.
Trước những bức xúc của cử tri, Phó Chủ tịch UBND phường 2 Lưu Trung Đan cho biết, từ nay đến trước Tết Nguyên đán 2020, phường sẽ yêu cầu các tiểu thương và các hộ kinh doanh trên đường Võ Văn Truyện ký cam kết không lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh gây mất an toàn giao thông, nếu hộ nào tiếp tục vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Cũng theo ông Đan, từ trước đến nay, phường chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt trường hợp nào. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để lập lại trật tự an toàn giao thông, phường sẽ cử lực lượng trật tự đô thị thường xuyên tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm.
Thời gian qua, tình trạng người dân mua bán lấn chiếm lòng, lề đường gây mất trật tự, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông mặc dù đã được các ngành chức năng, các địa phương tuyên truyền, vận động thế nhưng chưa mang lại kết quả cao, trên địa bàn nhiều địa phương vẫn tồn tại - thậm chí còn phát sinh thêm nhiều điểm mới.
Phải chăng, tình trạng chợ tự phát tồn tại, phát sinh là do chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe hay công tác tuyên truyền, kiểm tra của các địa phương chưa đạt hiệu quả? Thiết nghĩ, trong thời gian tới, ngành chức năng địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp cố tình vi phạm. Đồng thời, các địa phương cũng nên xem xét quy hoạch, xây dựng, mở rộng một số điểm chợ đối với những nơi thật sự có nhu cầu để người dân có nơi buôn bán phù hợp, góp phần bảo đảm an toàn giao thông.