Mặc dù phương tiện giao thông vi phạm về trọng tải có giảm so với trước đây, song tình trạng xe tải cơi nới thành thùng, chở hàng quá tải, để rơi vãi trên đường vẫn diễn ra. Ngành chức năng tỉnh Bình Định tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi này.
Xe tải vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng vượt trọng tải cho phép, làm rơi vãi hàng trên các tuyến đường giao thông nông thôn hay các tuyến quốc lộ luôn là nỗi bất an đối với người tham gia giao thông. Để đối phó với lực lượng CSGT, nhiều tài xế không chỉ tránh các chốt tuần tra, kiểm soát bằng cách đi đường khác, mà có khi dừng lưu thông trước chốt kiểm soát. Như trên tuyến QL19 đoạn qua Ẹo Bà Nho (phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn), khi phát hiện phía trước có chốt CSGT đang kiểm tra về tải trọng lưu động, có thời điểm hàng chục xe tải đã nối đuôi nhau dừng lại.
CSGT sử dụng cân tải trọng di động, xử lý xe chở quá trọng tải trên các tuyến đường.
Còn tại QL1A, đoạn qua xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, trong khoảng 30 phút có mặt tại chốt kiểm soát giao thông, phóng viên ghi nhận, bên cạnh số phương tiện tuân thủ đúng quy định trọng tải thì 1 trường hợp vượt hơn 10% đã bị xử lý theo quy định pháp luật. Có trường hợp chở hàng quá trọng tải cho phép, khi thấy lực lượng CSGT ra hiệu dừng xe thì lại cố tình lờ đi và cho xe chạy qua chốt. Tuy nhiên, cuối cùng, tài xế xe này là P.M.S. (Ninh Thuận) đã bị CSGT tạm giữ giấy phép lái xe, phù hiệu xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường vì vi phạm trọng tải.
Nhằm thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, thời gian qua, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã khai thác tối đa thiết bị cân tải trọng xách tay được trang cấp; tập trung kiểm soát trên tuyến đường ra vào mỏ đá, cát, bến bãi, khu vực các công trình đang xây dựng, các tuyến quốc lộ trọng điểm. Nhờ đó, những hành vi vi phạm về trọng tải, rơi vãi đều kịp thời bị xử lý. Cụ thể năm 2020, lực lượng CSGT đã phát hiện và xử lý hơn 1.700 trường hợp vi phạm quá tải, rơi vãi; riêng từ đầu năm đến nay đã phát hiện xử phạt gần 200 trường hợp.
Thượng tá Ngô Đức Hoài, Phó trưởng Phòng CSGT, CA tỉnh Bình Định cho biết: “So với trước đây thì vi phạm về tải trọng, rơi vãi hiện có phần giảm, nhưng không ổn định. Vì vậy, song song với việc tăng cường tuần tra kiểm soát dọc tuyến, nhất là những tuyến trọng điểm, chúng tôi chú trọng việc lập chốt lưu động, tăng cường tổ công tác để dừng, kiểm tra tải trọng bằng cân di động nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm”.
Được biết, hiện nay, ngoài việc kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định đối với các phương tiện tự ý hoán cải, thay đổi kết cấu phương tiện để chở quá tải trọng cho phép, lực lượng CSGT khi xử lý còn sử dụng camera ghi lại hình ảnh các phương tiện vi phạm và yêu cầu chủ phương tiện hạ tải theo quy định; đồng thời, lập danh sách gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam để cảnh báo, kiểm tra chặt chẽ trước khi kiểm định.
Xe chở quá tải trọng là một trong những nguyên nhân làm xuống cấp, hư hỏng cầu đường, làm giảm tuổi thọ các công trình đường bộ, gây mất trật tự ATGT. Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ không chỉ quy định xử phạt nặng đối với lái xe vi phạm trọng tải, mà còn có mức chế tài khá cao đối với cá nhân, tổ chức là chủ phương tiện, nhằm tăng cường trách nhiệm công tác quản lý hoạt động vận tải của đơn vị mình. Do đó, để hạn chế tận gốc hành vi chở hàng quá tải trọng cho phép, trước hết ngành chức năng cần xử lý các điểm tập kết hàng hóa, vật liệu; tăng cường xử lý các hành vi vi phạm trọng tải; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Nghị định 100/2019/NÐ-CP quy định về mức xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô chở hàng vượt quá trọng tải cho phép trên 10% đến 30%, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị phạt từ 800 nghìn đồng đến 12 triệu đồng. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 5 tháng.
Ngoài ra, chủ xe cũng sẽ bị xử phạt, với mức phạt tương ứng từ 2 triệu đồng đến 40 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cùng tem kiểm định của phương tiện từ 1 đến 3 tháng.