Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông trên địa bàn tỉnh liên tục đưa thông tin về các trường hợp học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện và xe máy bị lực lượng công an triệu tập xử lý vi phạm qua hình ảnh do việc điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, dàn hàng ngang và chạy quá tốc độ...
Ảnh minh họa
Tuy chưa có thống kê cụ thể về các vụ va chạm, tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến xe máy điện, xe đạp điện và xe máy do học sinh điều khiển nhưng kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông của các "tay lái” khoác áo đồng phục đang là nỗi lo. Bởi hiện nay, đa phần học sinh khu vực thành thị từ THCS đến THPT đều đến trường bằng xe đạp điện, xe máy điện, thậm chí cả xe máy nhưng các em lại không có giấy phép lái xe.
Điều này đồng nghĩa các em chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng lái xe, kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để tham gia giao thông an toàn. Trong khi đó, hầu hết các phụ huynh khi mua xe cho con em mình thường chỉ hướng dẫn các thao tác cơ bản khi điều khiển xe, còn kiến thức về an toàn giao thông (ATGT), xử lý tình huống thì ít nói tới.
Thực tế cho thấy, TNGT liên quan xe đạp điện, xe máy điện hoàn toàn có thể kiểm soát, phòng tránh được nếu người tham gia giao thông, nhất là các em học sinh tự nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm túc quy định về tốc độ, đội mũ bảo hiểm và quy tắc giao thông.
Do vậy, để giảm thiểu TNGT liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện cần sự quan tâm, vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, các ngành chức năng và toàn xã hội. Ngành giáo dục cần tiếp tục tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức các buổi tuyên truyền ngoại khóa, thi sân khấu hóa về ATGT, trong đó chú trọng đến những hậu quả của việc vi phạm quy tắc ATGT; đồng thời, yêu cầu 100% học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật ATGT.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng kiên quyết xử lý các trường hợp đi xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành tín hiệu giao thông, chở quá số người quy định… Cùng với việc xử phạt hành chính theo quy định, cần tổng hợp, gửi thông báo về nhà trường, chính quyền nơi cư trú để có biện pháp giáo dục, răn đe.
Ngoài ra, về phía gia đình, các bậc phụ huynh không nên chủ quan cho con em mình sử dụng xe đạp điện khi còn quá nhỏ tuổi; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng xe đạp điện để kịp thời phát hiện, sửa chữa những hỏng hóc; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc hướng dẫn, trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn.
Bên cạnh đó, các phương tiện thông tin đại chúng cần tăng cường thời lượng, tin bài để phổ biến, tuyên truyền các quy định và chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe đạp điện vi phạm trật tự ATGT. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGT đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Trong nhóm giải pháp về người điều khiển phương tiện có nêu, tới đây, người đi xe đạp điện, xe gắn máy có động cơ dưới 50 cm3 phải thi giấy phép lái xe. Đây được coi là một bước tiến lớn trong việc thay đổi ý thức người tham gia giao thông, đặc biệt là các em học sinh.