Sau hai năm thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, đường sắt, đường thủy, Tỉnh ủy Yên Bái đã tập trung chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra
nồng độ cồn với người tham gia giao thông
Ngay khi có Kết luận số 45-KL/TW, Yên Bái đã triển khai, phổ biến đến cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Để cụ thể hóa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 158-KH/TU ngày 14/11/2019 để triển khai thực hiện Kết luận số 45-KL/TW trong toàn Đảng bộ. Trong đó, đề ra 5 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền về công tác bảo đảm TTATGT; xác định TTATGT là nội dung quan trọng của công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATGT với nội dung và hình thức phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm. Đưa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT vào nội dung sinh hoạt định kỳ chi bộ, chính quyền, đoàn thể, các cuộc họp khu phố, thôn, bản, trường học… gắn việc xây dựng "văn hóa giao thông” với nội dung Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, cách làm hiệu quả; đồng thời, phê phán các hành vi vi phạm pháp luật ATGT. 2 năm qua, các cấp, các ngành đã tổ chức 18.000 cuộc tuyên truyền, 100% các trường học ký cam kết ATGT, tặng trên 43.000 mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho học sinh… Cùng với đó, nâng cấp hạ tầng giao thông, xử lý dứt điểm các điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Toàn tỉnh đã kiên cố hóa được 473 km kết cấu bê tông nhựa; 272 km kết cấu đá dăm nhựa; 54 km bê tông; 23 km đường cấp phối. Từ tháng 4/2019 đến 5/2021, tỉnh đã làm mới 115 km đường.
Riêng năm 2021, đã khởi công 5 công trình đường với tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng. Công tác quản lý vận tải, phương tiện vận tải được đặc biệt quan tâm. Công tác thiết lập trật tự, kỷ cương về TTATGT rất kiên quyết, nghiêm minh. Lực lượng chức năng huy động tối đa phương tiện, thiết bị kỹ thuật tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường, địa bàn trọng điểm.
Riêng lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 108.131 trường hợp vi phạm, tạm giữ 14.637 phương tiện, xử phạt, nộp ngân sách Nhà nước 48 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 5.347 trường hợp. Lực lượng thanh tra giao thông phát hiện xử lý 390 trường hợp vi phạm tải trọng, xử phạt nộp ngân sách Nhà nước 2 tỷ đồng.
Các đơn vị thuộc công an tổ chức tuần tra phòng ngừa nghiệp vụ, bảo đảm TTATGT và phòng chống tội phạm đã phát hiện và xử phạt 102 trường hợp lái xe dương tính với ma túy, 5.271 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, bắt giữ 4 vụ với 21 đối tượng đua xe trái phép… tiến hành thụ lý giải quyết 338 vụ tai nạn và va chạm giao thông, khởi tố 67 vụ, 54 bị can; đề nghị truy tố 25 vụ, 27 bị can. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng quy định, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, tăng cường tính răn đe, phòng ngừa vi phạm và TNGT.
Thực tiễn cho thấy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và triển khai đồng bộ các giải pháp, nhận thức của cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và nhân dân về công tác bảo đảm TTATGT ngày càng nâng lên. Tình hình TTATGT trên địa bàn được giữ vững ổn định, TNGT được kiềm chế và giảm cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết và bị thương), không để xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng, ùn tắc giao thông kéo dài và tình trạng đua xe trái phép.
Những năm tới, cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu đi lại, du lịch, vận chuyển hàng hóa sẽ tiếp tục tăng cao, phương tiện giao thông đường bộ không ngừng gia tăng, do vậy, Yên Bái cần tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm Kết luận số 45-KL/TW; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tổ chức các biện pháp bảo đảm TTATGT; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân cần nhận thức sâu sắc đối với công tác bảo đảm TTATGT.
Đặc biệt, các địa phương cần chú trọng đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT.