Các tuyến sông chính, như: sông Mã, sông Tào, sông Lèn, sông Bưởi, qua địa bàn nhiều huyện, thành phố đều đã được đưa vào quản lý. Vào mùa lũ, các sông có lưu lượng nước lớn, dòng chảy mạnh tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông (ATGT) cho các phương tiện thủy.
Trên các tuyến sông có phương tiện đò ngang hàng ngày phục vụ người dân đi lại; hoạt động của các tàu khai thác, vận chuyển vật liệu cát, sỏi và các vật liệu khác; thuyền của người dân làm nghề sông nước. Bên cạnh đó, hiện trên sông Mã, đoạn qua xã Vĩnh An (Vĩnh Lộc) và xã Định Công (Yên Định), còn có các phương tiện thủy chuyên dùng phục vụ xây dựng cầu thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh và các lực lượng
chức năng kiểm tra bến đò Nổ qua sông Mã, xã Vĩnh An (Vĩnh Lộc)
Ngay từ đầu năm, ban ATGT các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện chỉ đạo của Ban ATGT tỉnh về bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa năm 2021 gắn với phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT đường thủy nội địa được chú trọng và huy động được sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, nhà trường, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn. Việc đăng ký, đăng kiểm, các phương tiện chở khách bằng đường thủy được các chủ phương tiện thực hiện theo quy định. Ban ATGT các địa phương cũng đã xây dựng, triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” năm 2021. Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình hành động “Vì an toàn của trẻ em trên sông nước”, được các huyện, thành phố triển khai đến các xã, phường, thị trấn, khu dân cư và các trường học.
Các tuyến sông đã được đơn vị quản lý lắp đặt biển báo hiệu giao thông đường thủy nội địa, phao, đèn dẫn luồng để các phương tiện đi lại thuận tiện, an toàn. Các phương tiện đò ngang, phương tiện chở khách du lịch trên các tuyến sông đã được trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh và việc quản lý được giao trực tiếp cho chính quyền cấp xã, các chủ phương tiện. Công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT đường thủy nội địa được các lực lượng chức năng phối hợp, thực hiện có hiệu quả.
Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản xử phạt hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện thủy, đò ngang không bảo đảm an toàn, chưa được cấp phép hoạt động..., người lái đò chưa có chứng chỉ chuyên môn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác quản lý, kiểm soát hoạt động phương tiện chở khách ngang sông, chở khách du lịch trên các tuyến sông, hoạt động khai thác vật liệu cát, sỏi, còn những hạn chế, như: một số địa phương chưa thực hiện thống kê, kiểm tra, đôn đốc các chủ phương tiện thực hiện các quy định về an toàn của phương tiện.
Như tại bến đò xã Vĩnh Yên (Vĩnh Lộc), phương tiện đò được làm bằng vỏ xi măng cốt thép, chở khách qua sông, có hạn đăng kiểm đến ngày 7/9/2021, nhưng hiện đò có nhiều vết rạn, xi măng bị bong tróc không bảo đảm an toàn. Đường lên, xuống ở một số bến đò chưa được đầu tư xây dựng, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người dân khi lên xuống. Công tác quản lý, bảo quản của một số chủ đò chưa tốt đã làm cho dụng cụ nổi cứu sinh nhanh hư hỏng, xuống cấp, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Bên cạnh đó, do lực lượng chức năng mỏng, thiếu phương tiện, thiết bị nên công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường thủy nội địa ở các địa phương chưa thường xuyên. Một số đò chở khách ngang sông, người lái đò đã được cấp chứng chỉ nhưng chưa chuyển đổi chứng chỉ theo quy định tại Thông tư 40/2019/TT-BGTVT ngày 15/10/2019 của Bộ GTVT về quy định thi kiểm tra cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.
Một số mỏ cát, sỏi, bến tập kết vật liệu chưa lắp đặt hệ thống biển báo, phao tiêu, ánh sáng ban đêm, nên tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường thủy nội địa. Trên các tuyến sông Lèn, sông Mã, qua địa bàn các huyện Hoằng Hóa, Hà Trung, vẫn còn tình trạng người dân dùng lưới đăng đáy ngang sông, gây cản trở cho tàu, thuyền lưu thông.
Đồng chí Vũ Hoàng Linh, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Để khắc phục những tồn tại, bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa, thời gian tới, Ban ATGT tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo các ngành là thành viên Ban ATGT tỉnh, ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị có liên quan của tỉnh triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các kế hoạch, văn bản của UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh về công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa gắn với phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và chủ động báo cáo, đề xuất UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh, những vấn đề vượt thẩm quyền.
Xây dựng, triển khai kế hoạch bảo đảm trật tự, ATGT trong mùa mưa bão năm 2021; trong đó, phân công trách nhiệm cụ thể cho chính quyền các xã, phường, thị trấn trong việc thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa. Chuẩn bị các địa điểm an toàn để các phương tiện thủy trú, tránh; thiết lập điện thoại đường dây nóng, bảo đảm lực lượng ứng trực 24h/24h để tiếp nhận, xử lý thông tin, sẵn sàng tham gia phối hợp giải quyết các tình huống.
Tiếp tục phối hợp với các đơn vị, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT đường thủy nội địa gắn với phát động sâu rộng thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, “Phòng chống đuối nước cho trẻ em”; nhất là tổ chức tuyên truyền đến tận người dân sinh sống ven sông, các bến khách ngang sông...
Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của các ngành, đơn vị có liên quan; các địa phương có trách nhiệm phối hợp, vận động và hướng dẫn các chủ đò, chủ phương tiện làm thủ tục cấp phép, đăng ký theo quy định. Yêu cầu chính quyền cấp xã và các chủ đò, chủ cầu phao trên địa bàn ký cam kết bảo đảm an toàn trong hoạt động vận chuyển khách; trong đó, xác định rõ trách nhiệm của chủ đò trong việc không chở quá số người cho phép, không cho đò xuất bến khi người tham gia giao thông không tuân thủ những quy định an toàn và khi thời tiết, khí hậu, mực nước trên các sông có những diễn biến phức tạp.
Tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT đường thủy nội địa; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn và các thủ tục pháp lý quy định; nghiêm cấm triệt để việc sử dụng bè, mảng, thuyền gia dụng chở học sinh đi học.
Chính quyền các xã, phường, thị trấn có bến khách ngang sông, các chủ phương tiện chở khách ngang sông chịu trách nhiệm trước UBND, ban ATGT cấp huyện trong việc quản lý, bảo quản, sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh theo đúng quy định. Tổ chức rà soát, thống kê, phân loại phương tiện thủy hoạt động trên địa bàn để quản lý; đồng thời, có văn bản yêu cầu các lái đò thực hiện chuyển đổi chứng chỉ điều khiển phương tiện theo quy định tại Thông tư 40/2019/TT-BGTVT ngày 15/10/2019 của Bộ GTVT.