Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xuất hiện tình trạng nhiều nhóm thanh, thiếu niên nam, nữ tụ tập điều khiển xe với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng… gây mất trật tự công cộng, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người tham gia giao thông. Mặc dù lực lượng CSGT đã tăng cường tổ chức truy bắt các nhóm đối tượng trên, nhưng do chế tài xử lý còn nhẹ, nên tác dụng răn đe, giáo dục chưa cao, nhiều đối tượng “nhờn luật” và tiếp tục vi phạm.
Các đối tượng tụ tập điều khiển xe vi phạm TTATGT
bị Công an huyện Tam Đảo bắt giữ
Từ đầu năm 2021 đến nay, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện 13 vụ thanh, thiếu niên tụ tập điều khiển xe vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) với gần 300 đối tượng, tạm giữ 178 phương tiện.
Các đối tượng chủ yếu ở độ tuổi từ 14-16, ở nhiều huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, thậm chí cả các địa phương lân cận như Tuyên Quang, Hà Nội, Thái Nguyên…nhưng rủ rê, lôi kéo nhau thông qua mạng xã hội rồi tụ tập thành đám đông chở 2, chở 3, điều khiển xe với tốc độ cao, dàn hàng ngang, lạng lách, đánh võng, bốc đầu xe…
Đó đều là các hành vi vi phạm nghiêm trọng TTATGT, gây mất trật tự công cộng, mất ATGT. Để đối phó với lực lượng chức năng, nhiều trường hợp chủ động tháo biển số hoặc che biển số xe.
Ngay cả trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đối tượng vẫn cố tình vi phạm.
Điển hình, ngày 19/9, Công an huyện Tam Đảo đã bắt giữ 40 đối tượng điều khiển 20 xe mô dàn hàng ngang trên Quốc lộ 2B lên thị trấn Tam Đảo. Đáng chú ý, trong đó, có 4 đối tượng là người Thái Nguyên đã vượt chốt kiểm dịch Đèo Nhe địa phận giáp với thành phố Phúc Yên để vào Vĩnh Phúc, qua kiểm tra các trường hợp trên đều không có giấy tờ phòng dịch theo quy định.
Theo Trung tá Nguyễn Đức Nghĩa, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Vĩnh Phúc, một trong những nguyên nhân quan trọng của thực trạng trên là tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu sự giám sát hoặc nuông chiều con cái của nhiều gia đình.
Bởi thực tế cho thấy, phần lớn các trường hợp tham gia tụ tập đua xe nói trên đều chưa có nghề nghiệp, việc làm, trong đó nhiều trường hợp đang là học sinh. Các đối tượng biết hành vi của mình là vi phạm TTATGT, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao, tuy nhiên, bị bạn bè trong nhóm lôi kéo, rủ rê nên vẫn tham gia.
Bởi lẽ thanh thiếu niên vốn là đối tượng hiếu động, thích cảm giác mạnh, thích thể hiện mình để chứng tỏ “bản lĩnh” hay “đẳng cấp” với người xung quanh, ưa đàn đúm theo nhóm có cùng sở thích...
Bởi vậy, nếu không được cha mẹ quan tâm đúng mức thì thanh, thiếu niên phải tìm đến bạn bè để không cảm thấy cô đơn; vì không được giáo dục đến nơi đến chốn, nên thanh, thiếu niên không xác định rõ được điều nên làm và không nên làm...
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên ở các trường học và trong cộng đồng dân cư chưa hiệu quả. Còn tồn tại nhận thức công tác đảm bảo ANTT nói chung, phòng, chống đua xe trái phép nói riêng là việc của lực lượng công an nên hoạt động phòng ngừa xã hội chưa được triển khai thường xuyên, rộng khắp.
Trước thực trạng trên, mới đây, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo lực lượng CSGT Công an các huyện, thành phố sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp để đấu tranh với các hành vi vi phạm nêu trên.
Trong đó, tăng cường tuần tra kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang, tuần tra cơ động trên các tuyến đường hoặc lập chốt kiểm soát tại những tuyến đường trọng điểm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu khi có biểu hiện tụ tập đua xe trái phép.
Đồng thời, thông qua mạng xã hội, hệ thống camera giám sát, camera của người dân... để xác định thời gian, phương thức, thủ đoạn các cá nhân tụ tập, từ đó chủ động lên sơ đồ các tuyến đường, địa điểm là nơi các đối tượng thường vi phạm TTATGT... để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.