Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc những năm qua luôn được đảm bảo, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.
Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Bình Xuyên kiểm tra nồng độ cồn
đối với người tham gia giao thông
Trong quý I/2022, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 2 người chết, 2 người bị thương (so với cùng kỳ năm 2021 giảm 3 vụ, giảm 4 người chết, giảm 8 người bị thương), không xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, đường thủy. Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tai nạn giao thông. Vĩnh Phúc là 1 trong 3 tỉnh trên cả nước có số người chết vì tai nạn giao thông giảm trên 60%.
Để đạt được mục tiêu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc giao giảm 30% số vụ, số người chết do tai nạn giao thông so với năm 2021, phấn đấu giảm sâu số vụ tai nạn và đặc biệt là giảm số người chết vì tai nạn giao thông năm 2022, triển khai thực hiện thắng lợi chủ đề Năm an toàn giao thông (ATGT) 2022 “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên tinh thần "Vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông".
Ngay từ đầu năm, Ban ATGT tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh triển khai chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, hướng đến thực hiện 4 mục tiêu: Xây dựng văn hóa giao thông an toàn, giảm thương vong tai nạn giao thông từ 5-10%, khắc phục ùn tắc giao thông, không để bùng phát dịch bệnh trong hoạt động vận tải.
Các cấp (từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn), các ngành, các tổ chức đoàn thể phải xác định công tác bảo đảm TTATGT là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm. Ngay từ đầu năm, Ban ATGT tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ, cùng tập trung thực hiện nhiệm vụ được Tỉnh ủy giao; phối hợp với các ngành, địa phương tập trung xây dựng Đề án "Văn hóa giao thông gắn với ATGT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc".
Ban ATGT tỉnh đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh thành lập các đoàn liên ngành, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phối hợp kiểm tra, phát hiện, kịp thời khắc phục các hạn chế trong quản lý hạ tầng giao thông, nhất là các điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông; chỉ đạo Công an tỉnh thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 gắn với công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy.
Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép; cương quyết xử lý, trấn áp những đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, đạo đức, trách nhiệm của các lực lượng, nhất là chấp hành quy trình công tác, thái độ ứng xử, lễ tiết, tác phong trong thi hành công vụ.
Chỉ đạo Sở GTVT tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm của các đơn vị vận tải hành khách, vận tải hàng hóa; tăng cường công tác quản lý, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của đơn vị thi công trên đường; chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng giải quyết tình trạng vi phạm lòng, lề đường và lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ; lập lại trật tự hành lang ATGT các tuyến đường trên địa bàn.
Đặc biệt, ngày 28/3, Vĩnh Phúc vinh dự được Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Trung ương Đoàn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty Honda Việt Nam chọn là nơi tổ chức lễ phát động hưởng ứng Năm ATGT với chủ đề “Vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông” bằng nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.
Đây là sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh và thế hệ trẻ cả nước, góp phần giúp các bạn đoàn viên, thanh niên, sinh viên phải thực sự là những người tiên phong trong thực hiện quy định pháp luật về ATGT, đồng thời xung kích, đi đầu trong tuyên truyền, vận động gia đình, bạn bè, cộng đồng xung quanh cùng xây dựng văn hóa giao thông.
Công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về TTATGT và giải tỏa hành lang ATGT được Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT các huyện, thành phố, các cơ quan thông tin đại chúng như Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các tổ chức đoàn thể duy trì, thực hiện tốt; phổ biến kịp thời các văn bản mới về ATGT; tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo đường thông, hè thoáng, góp phần tích cực vào việc kiềm chế tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông.
Mặc dù tai nạn giao thông đã giảm rõ rệt, tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn vẫn cao, nhất là trong điều kiện tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, điều kiện kinh tế-xã hội trong cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng dần khôi phục, hoạt động vận tải quay trở lại sôi động trong điều kiện bình thường mới, trong đó có hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách và hoạt động đi lại của học sinh, sinh viên.
Mặt khác, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, trong đó có những yếu tố rất khó kiểm soát, thậm chí không thể kiểm soát (người tỉnh ngoài tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh, tai nạn giao thông trên tuyến đường cao tốc chạy qua địa bàn tỉnh…). Cùng với đó, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao.
Vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao, thực hiện tốt chủ đề của năm “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, giảm thiểu tai nạn giao thông và những hậu quả mà nó gây ra một cách bền vững, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp bảo đảm TTATGT, tất cả vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông.