Lai Châu: Chủ động giải pháp đảm bảo ATGT đường thủy nội địa

Thứ ba, 24/05/2022 09:09
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau khi các lòng hồ thủy điện được hình thành, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu) có hơn 100km đường thủy nội địa trên các sông: Đà, Nậm Na. Hiện các tuyến sông có hàng trăm phương tiện, chủ yếu là tự chế tham gia hoạt động tự phát, mưu sinh. Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông đường thủy, các cơ quan chức năng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tích cực.

Hồ thủy điện tích nước, thu hút gần 2 nghìn phương tiện tham gia giao thông đường thủy. Lòng sông phẳng lặng không còn thác ghềnh như trước, nhưng vẫn tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn. Qua thực tế quan sát, phần lớn phương tiện đều tự chế để mưu sinh tại các bãi ngang tự phát, khai thác thủy sản. Các phương tiện thường có chung đặc điểm: tự chế, không qua đăng kiểm, kiểm tra kỹ thuật và thiếu dụng cụ cứu sinh và khó lường trước hậu quả nếu không may xảy ra tai nạn và mùa mưa bão.

Người sống bằng nghề sông nước vẫn thường kể vể vụ tai nạn ngày 13/7/2018 trên sông Đà mà không khỏi bàng hoàng, xót xa. Trên xuồng có 10 người và 2 xe máy, cùng gần nửa tạ gạo, tải trọng trên xuồng khá lớn, nhưng phương tiện cứu hộ, dụng cụ cứu sinh không đảm bảo. Rồi điều không ai mong muốn cũng đã xảy ra, khi gặp sự cố và xảy ra tai nạn, khiến cho 3 người mất tích. Hậu quả quá đau lòng như hồi chuông cảnh báo về tai nạn giao thông đường thủy. Những tưởng sau vụ việc đó, ý thức chấp hành, các giải pháp an toàn khi tham gia giao thông đường thủy sẽ được nâng cao. Nhưng thực tế lại diễn biến theo chiều hướng ngược lại khiến cho việc quản lý, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa gặp không ít khó khăn.

Cán bộ, chiến sỹ Đội Cảnh sát giao thông đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh) tuyên truyền người dân thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông khi tham gia giao thông đường thủy.

Hiện, huyện Sìn Hồ có gần 800 phương tiện tham gia giao thông đường thủy (chủ yếu là phương tiện tự tạo, công suất nhỏ, không qua đăng ký, đăng kiểm hay kiểm tra kỹ thuật). Trong điều kiện nước lũ dâng cao, lòng sông có vật cản ngầm, khi xảy ra tai nạn sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Đội Cảnh sát Giao thông đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh) đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đẩy mạnh tuyên truyền và ký cam kết cho người dân khi tham gia giao thông đường thủy và chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn.

Trao đổi với Đại úy Nguyễn Xuân Hà - Đội phó Đội Cảnh sát giao thông đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông) chúng tôi được biết: Thời gian qua, Đội đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn tổ chức tuyên truyền về Luật Giao thông đường thủy nội địa cho hơn 1 nghìn lượt người và hơn 2,5 nghìn lượt người ký cam kết, phát tặng 260 áo phao, 200 khẩu trang y tế và nhiều dụng cụ nổi. Đồng thời, tiến hành nhắc nhở, xử lý các trường hợp tham gia giao thông đường thủy. Qua đó, đã phát hiện 1 vụ, 1 người điều khiển xuồng mang theo súng hơi tự chế; 2 vụ, 3 đối tượng thuê phương tiện qua qua sông trốn khai báo y tế và 2 vụ liên quan tới phao, tiêu trên tuyến. Các vụ vi phạm đã được xử lý nghiêm, đúng theo luật định.

Qua thực tế cho thấy hoạt động của bến bãi tự phát tại các khu vực đông dân cư, không qua khảo sát, định tuyến cũng tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho phương tiện tham gia giao thông đường thủy. Đội Cảnh sát giao thông đường thủy đã tham mưu với Phòng Cảnh sát giao thông và các cơ quan chuyên môn bố trí gần 120 phao giới hạn, biển báo, cọc tiêu chuyển luồng, chuyển tuyến trên các tuyến giao thông đường thủy thuộc địa phận huyện Sìn Hồ.

Người dân có phương tiện giao thông đường thủy ký cam kết đảm bảo an toàn giao thông.

Hệ thống biển báo, cọc tiêu đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm thiểu nguy cơ tại nạn cho các phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa. Theo ông Lường Văn Đôi - bản Nậm Mạ (xã Nậm Mạ) là người nhiều năm gắn bó với nghề sông nước, ông hiểu rõ sự nguy hiểm của lòng sông thăm thẳm ấy. Nhìn lòng sông phẳng lặng là thế, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, không cẩn trọng khi điều khiện phương tiện, rất dễ xảy ra tai nạn. Nhưng từ khi trên sông có các biển báo, phao giới hạn tôi cũng như các bạn thuyền thêm an tâm, nhất là vào mùa mưa bão.

Phát huy lợi thế lòng hồ thủy điện, một số địa bàn đã phát triển giao thông đường thủy nội địa. Hiện, các cơ quan chuyên môn đã phối hợp cùng lực lượng chức năng và các địa phương chủ động các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

toanld

Nguồn: Báo Lai Châu

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)