Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có hệ thống quốc lộ hơn 320 km/7 tuyến, đường tỉnh 490 km/21 tuyến, đường huyện khoảng 770 km/72 tuyến, 10 tuyến đường vùng đặc thù và hệ thống đường đô thị, nội thị, đường nông thôn… với tổng chiều dài hơn 10.740 km đường bộ.
Những năm gần đây, mật độ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng nhanh đã gây áp lực lớn với hạ tầng giao thông. Hiện nay, nhiều tuyến đường đã có dấu hiệu xuống cấp nhanh, mặt đường xuất hiện ổ gà, nhiều vị trí tiềm ẩn tai nạn giao thông chưa được kịp thời xử lý… gây khó khăn, thách thức trong công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) và quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (HTGTĐB).
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra tải trọng xe quá tải, quá khổ,
xe cơi nới trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện Lương Sơn.
Đồng chí Bùi Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy cho biết: Thực hiện việc bảo vệ kết cấu HTGTĐB, huyện tập trung vào việc hướng dẫn, tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu HTGTĐB; quy định về quản lý, bảo vệ, sử dụng hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) tới các tổ chức, người dân trên địa bàn. Kịp thời phát hiện, thông báo, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm lấn chiếm và tái lấn chiếm HLATĐB. Ra quân dọn dẹp rác thải, vệ sinh sạch sẽ mặt đường, lề đường. Tổ chức phát quang và cắt tỉa cây ảnh hưởng đến tầm nhìn. Đồng thời rà soát những điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông. Tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân tháo dỡ công trình, chặt hạ cây cối làm che khuất tầm nhìn tại các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông. Rà soát, kiểm tra, phân loại các trường hợp mới vi phạm HLATĐB và các trường hợp vi phạm còn tồn tại trước đây chưa được giải quyết triệt để, để xây dựng kế hoạch cưỡng chế, giải tỏa. Hướng dẫn, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân vi phạm chấp hành các quyết định xử phạt hành chính của cấp có thẩm quyền đã ban hành, tự giác tháo dỡ trả lại mặt bằng ban đầu theo quy định. Trường hợp vụ việc vi phạm chưa ra quyết định xử phạt hành chính, hoặc đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà đối tượng không chấp hành thì căn cứ các quy định của pháp luật cưỡng chế giải tỏa theo quy định.
Các địa phương cũng đã huy động lực lượng thuộc thẩm quyền tổ chức giải tỏa tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường làm nơi tập kết vật liệu, kinh doanh buôn bán hàng hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và ATGT. Cưỡng chế các trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng đất của đường bộ, đất HLATĐB trên địa bàn quản lý. Đơn vị bảo dưỡng đường bộ, Thanh tra giao thông bố trí hỗ trợ thêm nhân lực, phương tiện phục vụ công tác cưỡng chế, giải tỏa vi phạm.
Cuối tháng 3/2022, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành kế hoạch về việc phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu HTGTĐB đối với các tuyến đường trên địa bàn tỉnh năm 2022. Theo kế hoạch sẽ triển khai tại các tuyến quốc lộ, đường 229, đường tỉnh, đặc biệt là khu đô thị, khu đông dân cư.
Thông qua kế hoạch nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành chuyên môn và địa phương trong việc bảo vệ kết cấu HTGTĐB trên các tuyến đường trên địa bàn tỉnh. Nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy định pháp luật và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng và bảo vệ HLATĐB. Chấn chỉnh, lập lại trật tự đô thị, trật tự hành lang an toàn giao thông đối với các tuyến đường. Xóa bỏ tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường làm nơi tập kết vật liệu, kinh doanh buôn bán hàng hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và ATGT. Lập lại kỷ cương pháp luật trong việc bảo vệ kết cấu HTGTĐB, đảm bảo tầm nhìn cho các phương tiện tham gia giao thông để ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông.