Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa có văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần BOT 38; các cổ đông của Nhà đầu tư dự án BOT QL.38: Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác Cảng; Công ty Cổ phần xây dựng số 2 - Vinaconex; Công ty Cổ phần Licogi 16; Khu Quản lý đường bộ I khẩn trương khắc phục các tồn tại để đảm bảo ATGT dự án BOT QL.38 trên địa phận tỉnh Bắc Ninh.
Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục ĐBVN cho biết, căn cứ ý kiến của Ban ATGT tỉnh Bắc Ninh về các tồn tại, bất cập của dự án BOT QL.38 tại Văn bản số 46/CV-BATGT ngày 02/3/2023 và văn bản số 20/CV-BATGT ngày 16/02/2023; ngày 22/4/2023, Cục ĐBVN phối hợp với Ban ATGT tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra hiện trường dự án BOT QL.38.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Cục ĐBVN đã có Văn bản số 2532/CĐBVN-QLBTKCHTGT ngày 24/4/2023 gửi các Nhà đầu tư, Công ty Cổ phần BOT 38 (Doanh nghiệp dự án BOT) yêu cầu khẩn trương sửa chữa, khắc phục các tồn tại để đảm bảo ATGT khu vực cầu Hồ và các vị trí khác.
Đối với việc sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, tồn tại của dự án BOT QL.38, cơ quan quản lý đường bộ, lực lượng Cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương đã lập các Biên bản làm việc đề nghị khắc phục các tồn tại gây mất ATGT, ùn tắc giao thông (nhất là khu vực cầu Hồ); đồng thời đã có các văn bản đôn đốc Nhà đầu tư/ Doanh nghiệp dự án tổ chức sửa chữa, khắc phục.
Tuy nhiên, đến thời điểm 9h00 ngày 27/4/2023, Nhà đầu tư/ Doanh nghiệp dự án BOT vẫn chưa triển khai thực hiện ngoài hiện trường. Vì vậy, để đảm bảo ATGT, Cục đã yêu cầu Công ty CP BOT 38 khẩn trương thực hiện các nội dung công việc đã nêu tại Biên bản hiện trường ngày 22/4/2023. Đặc biệt cần thực hiện ngay các công việc yêu cầu hoàn thành trước 30/4/2023 như sơn lại vạch sơn khu vực ngã tư Đông Côi và các vị trí sơn kẻ đường bị mờ, mất tác dụng khác.
Để khắc phục ùn tắc kéo dài trên cầu Hồ, Cục yêu cầu Doanh nghiệp dự án phải khẩn trương thiết kế và thi công mở lối dân sinh cho xe thô sơ, người đi bộ gần trạm thu phí, đặt dải phân cách phân làn phía đầu cầu Hồ, sau đó theo dõi giao thông khu vực này sau khi điều chỉnh tổ chức giao thông để có biện pháp xử lý cần thiết. Trường hợp Nhà đầu tư/ Doanh nghiệp dự án thực hiện chậm hoặc không thực hiện, Cục sẽ quyết định dừng thu phí theo thẩm quyền.
Cục giao Khu QLĐB I tiếp tục kiểm tra, giám sát thường xuyên việc sửa chữa, khắc phục theo nội dung tại mục 1 văn bản này của Nhà đầu tư/ Doanh nghiệp dự án. Trường hợp đến 8h00 ngày 28/4/2023 Nhà đầu tư/ Doanh nghiệp dự án chưa triển khai thực hiện ngoài hiện trường thì kịp thời báo cáo Cục ĐBVN để xem xét, quyết định dừng thu phí. b) Chỉ đạo các lực lượng chức năng chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, thiết bị, nhân lực và phương án ứng trực trong trường hợp cần thiết áp dụng dừng thu phí dự án. c) Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình tổ chức giao thông, tình hình tai nạn, an toàn giao thông, ùn tắc giao thông trên tuyến để yêu cầu Nhà đầu tư/ Doanh nghiệp dự án BOT xử lý và báo cáo Cục ĐBVN kịp thời.
Cục cũng giao Phòng KHCN, MT và HTQT chuẩn bị phương án dừng thu phí đối với hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) trong trường hợp cần thiết áp dụng dừng thu phí dự án.
Cục đề nghị Nhà đầu tư/ Doanh nghiệp dự án BOT và Khu QLĐB I tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến của lực lượng Cảnh sát giao thông, công an tỉnh, Ban ATGT và Sở GTVT Bắc Ninh để xử lý kịp thời; thông báo kết quả thực hiện cho các cơ quan đã có ý kiến; trường hợp chưa thể thực hiện được các ý kiến thì cần giải thích rõ các vướng mắc cho các cơ quan đã có ý kiến.
Cục cũng đề nghị các cổ đông của Nhà đầu tư BOT dự án này quan tâm, tạo điều kiện về vốn, cơ chế và các nguồn lực khác để Doanh nghiệp dự án BOT hoàn thành các nhiệm vụ quản lý, bảo trì, bảo đảm ATGT công trình dự án, tránh trường hợp bị dừng thu phí.
Xuân Nguyên