Mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó sự cố và cứu nạn trong hoạt động giao thông vận tải đường sắt năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 qua hệ thống truyền hình 3 khu vực: Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn.
Trong năm 2022, có tổng cộng có 07 cơn bão, 01 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó có 03 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền và nhiều trận mưa lớn kéo dài gây ngập úng, sạt lở đất. Khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung chịu nhiều ảnh hưởng của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới và các đợt mưa lớn kéo dài. Kết cấu hạ tầng đường sắt trên các tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Kép - Hạ Long - Cái Lân, Diêu Trì - Quy Nhơn, Hà Nội - TP Hồ Chí Minh chịu nhiều thiệt hại, có một số vị trí bị hư hỏng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giao thông đường sắt phải tổ chức cứu chữa, khắc phục hậu quả và chuyển tải hành khách trong nhiều ngày.
Chủ tịch HĐTV Đặng Sỹ Mạnh trực tiếp chỉ đạo công tác cứu chữa
tại khu vực đèo Hải Vân
Trước tình hình đó, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã kịp thời có mặt tại hiện trường, chỉ đạo công tác cứu chữa đảm bảo thông tàu trong thời gian sớm nhất với phương châm phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần phải rút kinh nghiệm để công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn được tốt hơn đó là: sự phối kết hợp giữa các công ty, đơn vị trong ngành còn chưa chặt chẽ dẫn tới công tác khắc phục còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ; chưa lường hết được các kịch bản xảy ra nên khi triển khai phương án còn lúng túng.
Theo tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2023 có khoảng 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, các tháng đầu mùa sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc, từ khoảng tháng 9-11 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung. Để chủ động ứng phó với mọi diễn biến phức tạp, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai, lụt, bão gây ra và đảm bảo an toàn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu các Ban, đơn vị cần xác định phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, tránh tâm lý chủ quan.
Phó Tổng Giám đốc TCT Đường sắt VN Hoàng Gia Khánh điều hành hội nghị
Tổng công ty ĐSVN yêu cầu các đơn vị khẩn trương kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt chú trọng đến công tác tập huấn và diễn tập khi xảy ra bão lũ. Xây dựng sổ tay cho việc xử lý, ứng phó sự cố, xây dựng quy trình xử lý theo từng cấp độ, quy mô... Cùng với đó cần liên tục theo dõi và cập nhật tình hình thời tiết để chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư dự phòng đảm bảo cho việc tổ chức ứng cứu kịp thời, sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của hành khách, người lao động.
Đồng thời liên tục kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình, xác định các điểm xung yếu, có phương án xử lý đảm bảo an toàn, tổ chức tuần tra canh gác, phát hiện, giải quyết kịp thời các sự cố hư hỏng có thể xảy ra, khẩn trương lắp đặt hệ thống Camera giám sát các điểm xung yếu, đá lăn đá rơi để kịp thời theo dõi trạng thái kết cấu hạ tầng đường sắt, giảm nguy cơ gây mất an toàn cho người lao động tham gia công tác phòng chống thiên tai...
Bên cạnh đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng kiến nghị với các Bộ, ban ngành quan tâm giải quyết cơ chế chính sách cho người lao động tham gia công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn do tính chất đặc thù của ngành đường sắt, đồng thời bố trí kinh phí để đầu tư sửa chữa các công trình xung yếu, quá niên hạn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.