Chiều 17/8, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn.
Tham dự Hội nghị còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng, đại diện Ban ATGT tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các địa phương; đại diện Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, Cảng Quy Nhơn, các Ban quản lý dự án giao thông thuộc Bộ GTVT, các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng nhấn mạnh: Thời gian gần đây, được sự quan tâm của Trung ương và địa phương, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh không ngừng được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu vận chuyển để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vẫn có nhiều vụ tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra mà một trong những nguyên nhân cơ bản được xác định ngay ban đầu là do ý thức chấp hành pháp luật của lái xe, của chủ doanh nghiệp vận tải trong hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách và hàng hóa. Do đó, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô vận chuyển hàng hóa nhằm đánh giá nghiêm túc kết quả đạt được, đưa ra các biện pháp xử lý, khắc phục triệt để các tồn tại, thiếu sót để nâng cao hiệu quả công tác quản lý trong thời gian tới.
Quang cảnh hội nghị
Theo báo cáo tại Hội nghị, mặc dù công tác quản lý hoạt động xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa của các lực lượng chức năng bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định; tuy nhiên tình hình trật tự ATGT thời gian gần đây có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Tình hình xe vi phạm chở hàng quá khổ giới hạn, quá tải trọng cho phép, các xe vận chuyển khách đường dài đi qua địa bàn tỉnh, xe dù tiếp tục diễn ra ở một số tuyến đường địa phương gây nguy hiểm cho người và phương tiện khác cùng tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, tuổi thọ công trình đường bộ. Xe khách tuyến cố định bỏ bến, bỏ chuyến, đón trả khách không đúng nơi quy định, vi phạm tốc độ; Tình trạng né tránh, đối phó, không hợp tác, cản trở việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng vẫn còn xảy ra gây khó khăn cho quá trình xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng. Từ năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 12.811 trường hợp xe tải, container vi phạm giao thông, phạt tiền 64,9 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 7.512 trường hợp xe khách vi phạm, phạt tiền 13,3 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện cảng vụ hàng hải Quy Nhơn, cảng Quy Nhơn, các Ban quản lý dự án giao thông thuộc Bộ GTVT, các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tham luận về công tác quản lý, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đối với hoạt động xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô vận chuyển hàng hóa; đồng thời đề xuất các giải pháp, kiến nghị đối với tỉnh trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn ghi nhận kết quả trong công tác quản lý hoạt động xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, thay đổi trong ý thức của người lái xe, của chủ xe và của chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế còn tồn tại trong lĩnh vực này, tập trung ở các vấn đề về hạ tầng giao thông, công tác quản lý Nhà nước và sự phối hợp của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải.
Nhằm tiến đến xây dựng môi trường kinh doanh vận tải đường bộ cạnh tranh lành mạnh, xây dựng văn hóa giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nêu quan điểm lấy phòng ngừa làm trọng tâm trong công tác quản lý và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT trong tình hình mới. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hướng đến mục tiêu không có điểm đen về TNGT trên địa bàn tỉnh; không độ chế, hoán cải các phương tiện giao thông trái quy định; không đăng kiểm cấp phép lưu hành các phương tiện giao thông không đảm bảo an toàn kỹ thuật; không có hành vi vi phạm khi tham gia giao thông và không tiêu cực, bỏ qua hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT trong quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm soát đảm bảo trật tự ATGT.
Đối với Sở Giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo từ nay trở đi đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, xử lý trên lĩnh vực giao thông, đặc biệt lắp hệ thống quản lý xe công nghệ ở các tuyến đường trọng yếu; tập trung nâng cao chất lượng đào tạo lái xe, đổi mới công tác đào tạo lái xe theo hướng gắn trách nhiệm người dạy, trung tâm đào tạo với các lỗi vi phạm của người tham gia giao thông; quan tâm, siết chặt công tác sát hạch lái xe; đăng kiểm phương tiện và chú trọng nâng cao ý thức trong văn hoá giao thông. Tiếp tục xử lý nghiêm các vi phạm về giao thông, nhất là các lỗi dẫn đến TNGT; không bảo kê, nhũng nhiễu…
Công an tỉnh tập trung quản lý và xử lý nghiêm theo chức năng của ngành, hành xử văn minh, xử lý vi phạm bằng công nghệ, duy trì hoạt động cung cấp nước và khăn lạnh cho tất cả lái xe khách và lái xe tải, quản lý nghiêm thời gian lái xe trên đường.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách và vận chuyển hàng hóa nâng cao trách nhiệm, chủ động tăng cường công tác quản lý chặt đội ngũ lái xe thuộc đơn vị của mình, tập trung vào việc quản lý thời gian lái xe, tốc độ lái xe, lái xe không sử dụng chất kích thích khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, quản lý chất lượng phương tiện của đơn vị đảm bảo an toàn kỹ thuật, không hoán cải, cơi nới và tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh.
Ban ATGT tỉnh thường xuyên tổ chức các tổ kiểm tra liên ngành, khẩn trương triển khai các điểm thí điểm, tập trung vấn đề cảnh báo sớm và đặc biệt đề xuất khen thưởng. Các Ban Quản lý dự án tỉnh, yêu cầu trong quá trình đấu thầu thì đưa đầu bài thầu về quản lý các phương tiện vận tải theo đúng quy định là một trong các tiêu chí chọn thầu; kiên quyết xử lý nghiêm đối với những nhà thầu để xảy ra TNGT… Các Trung tâm đào tạo lái xe sau hội nghị này xây dựng lại chương trình đào tạo lái xe; rà soát lại toàn bộ đội ngũ làm công tác đào tạo. Các Trung tâm đăng kiểm yêu cầu nâng cao chất lượng công tác kiểm định, gắn trách nhiệm của trung tâm kiểm định về công tác chất lượng. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng lưu ý các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATGT, chủ động rà soát, phân loại các địa bàn hay xảy ra TNGT, từ đó xây dựng giải pháp, khắc phục.
Các đại biểu chứng kiến 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực
kinh doanh vận tải hành khách và vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Định
ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT
Dịp này, đại diện 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách và vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Định đã tiến hành ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại đơn vị./.